Môi trường (old)

"Quản lý bãi thải ở Việt Nam: Thực trạng và xu hướng"

Thứ ba, 26/9/2017 | 10:03 GMT+7
Đó là tên chủ đề của buổi hội thảo do Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tập đoàn GSE tổ chức tại Hà Nội ngày 22/9. Hội thảo do ông Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường.

Phát biểu tại hội thảo ông Mai Thanh Dung cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho những năm tới. Tuy nhiên, cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên bức xúc trong đó có chất thải rắn (CTR). Lượng CTR phát sinh ngày càng gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp. Hiện nay, phương pháp xử lý CTR ở nước ta chủ yếu là chôn lấp. Mặc dù có nhiều ưu thế vượt trội như đầu tư ban đầu thấp, giá thành xử lý CTR phù hợp, có thể xử lý được tất cả các loại CTR. Tuy nhiên, lượng rác thải đổ vào các bãi thải tăng nhanh trong khi việc quản lý bãi thải chưa đáp ứng được thực tế này. Điều đó đã dẫn đến việc không tiết kiệm được quỹ đất; tại nhiều bãi thải, hiện đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Ông Mai Thanh Dung  - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường.
Ông Mai Thanh Dung - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường.

Điều này được minh chứng thông qua số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng. Theo đó, tính đến cuối năm 2016 nước ta có khoảng 660 bãi chôn lấp với tổng diện tích 4.900 ha (chỉ có 1/3 bãi chôn lấp hợp vệ sinh). Tỷ lệ bãi chôn lấp trên 20ha khoảng 5,7%, số lượng bãi nhỏ hơn 20ha và lớn hơn 1ha là 59,3% và còn lại là các bãi dưới 1 ha chiếm 33%. Ô nhiễm ở bãi chôn lấp đã trở nên nghiêm trọng hơn và phổ biến trong những năm gần đây dẫn đến suy thoái đất, nước, không khí, đặc biệt tại các thành phố lớn, nơi mà lượng chất thải rắn đang ngày càng tăng, tỷ lệ chôn lấp rác cao 69%.

Đáng nói là đến nay vẫn chưa có địa phương nào có mô hình xử lý chất thải hoàn thiện đạt được cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường.Việc quản lý chất thải rắn chưa phù hợp với xu thế tái sử dụng, tái chế trên thế giới. Hoạt động tái chế chất thải rắn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa phát triển thành quy mô, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan hữu quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm

Tại hội thảo Quản lý bãi thải ở Việt Nam: Thực trạng và xu hướng, nhiều ý kiến cho rằng, số lượng chất thải rắn ngày càng tăng, diện tích đất có hạn, người dân không thích sống gần bãi chôn lấp, việc tìm địa điểm bãi chôn lấp rất khó khăn. Tuy chôn lấp là một trong những công nghệ xử lý chất thải rắn, chủ yếu ở Việt Nam nhưng cần hạn chế phương pháp này.

Để tìm hiểu về công nghệ môi trường tiên tiến trên thế giới, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã xây dựng quan hệ hợp tác với Tập đoàn GSE, nhà sản xuất và kinh doanh hàng đầu về các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ về màng chắn địa kĩ thuật được sử dụng để lưu trữ và quản lý hóa chất của các cơ sở quản lý chất thải, khai khoáng, nước và thủy sản. Theo đó, hai bên sẽ nỗ lực triển khai các hoạt động hợp tác nhằm góp phần vào công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Theo báo Tài nguyên và Môi trường