Quản lý hiệu quả rác thải nhựa từ hỗ trợ của WWF-Na Uy

Thứ hai, 16/5/2022 | 17:09 GMT+7
Ngày 16/5, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân tiếp và làm việc với bà Karoline Andaur, Giám đốc điều hành Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên Na Uy (WWF-Na Uy).

Tại buổi làm việc, bà Karoline Andaur cho biết, trong suốt thời gian qua, Na Uy đã đồng hành cùng Bộ TN&MT trong nhiều chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là quản lý rác thải nhựa. Hiện Liên Hợp Quốc đã chính thức thảo luận về Hiệp ước toàn cầu về rác thải nhựa. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực tham gia xây dựng Hiệp ước. Do đó, Na Uy cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thiết lập và tham gia Hiệp ước.

Giám đốc điều hành WWF-Na Uy cho biết thêm, Tổ chức hiện đang tài trợ thành phố Huế thực hiện dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam, nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biến không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa.

Dự án được thực hiện trong 4 năm, từ năm 2021 - 2024 và được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn khởi động dự án (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022 - 2024) với mong muốn đưa Huế trở thành điểm đến không rác nhựa vào năm 2030.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tiếp và làm việc với bà Karoline Andaur

Bà Karoline Andaur nhấn mạnh, Huế là đô thị thứ 7 của Việt Nam và thứ 32 trên thế giới tham gia vào mạng lưới Sáng kiến các đô thị giảm nhựa. WWF-Na Uy sẽ hỗ trợ để thành phố thực hiện được Kế hoạch hành động đô thị giảm nhựa; giảm khối lượng rác thải nhựa phát sinh; thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp giảm nhựa...

Trong buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, ngày 12/5/2022, trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị ASEAN - Mỹ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã thăm và làm việc với WWF-Mỹ, thiết lập quan hệ hợp tác với WWF-Mỹ. Hy vọng chuyến thăm và làm việc của Giám đốc điều hành WWF-Na Uy đến Bộ ngày hôm nay cũng là một dấu mốc quan trọng, làm cơ sở cho việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian tới.

Cũng theo Thứ trưởng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 vừa có hiệu lực. Chính phủ và Bộ TN&MT đã và đang ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó vấn đề quản lý chất thải, chất thải nhựa là một nội dung quan trọng được điều chỉnh. Theo đó, khi triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn, Việt Nam nói chung và Bộ nói riêng mong muốn học hỏi được nhiều kinh nghiệm quản lý chất thải, chất thải nhựa của các quốc gia, đặc biệt là Na Uy.

Ngoài ra, đại diện Bộ TN&MT hy vọng dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam sẽ là mô hình mẫu trong việc quản lý rác thải nhựa, từ phân loại - thu gom - tái chế và thu hồi... được triển khai ở thực địa, địa phương, từ đó có thể phát triển, nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Đối với Hiệp ước toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy trong quá trình đàm phán, cụ thế là hỗ trợ trong quá trình tham vấn, đánh giá tác động chính sách và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ đàm phán.

Mặt khác, Bộ TN&MT cũng hy vọng WWF-Na Uy sẽ mở rộng hỗ trợ Việt Nam một số lĩnh vực khác như: bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thực hiện các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) về biến đổi khí hậu, quản lý và bảo tồn tài nguyên, môi trường biển…

Khánh An (T/H)