Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm, 8/9/2022 | 16:06 GMT+7
Mới đây, tại buổi đối thoại bàn tròn Hợp lực để chuyển đổi bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia của Việt Nam và Đại sứ quán Hà Lan đã đề xuất nhiều giải pháp về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, quan điểm của Chính phủ và Bộ NN&PTNT là chuyển đổi nông nghiệp bền vững dựa trên nguyên tắc thuận thiên. Các vùng nước mặn, nước lợ, nước ngọt tại ĐBSCL được xem là tài nguyên để khai thác.

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương hướng phát triển nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái: vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng là vùng trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây của ĐBSCL và quốc gia, phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo hướng hiện đại và bền vững, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan; vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, mặn - lợ trên bờ và trên biển, phát triển hệ thống nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái; vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng để phát triển thủy hải sản nước lợ chuyên canh và luân canh với lúa, rau màu...

Thứ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh nước ngọt, nước mặn cũng được coi là một loại tài nguyên khai thác. Do đó, cần tiếp tục xây dựng, phát triển hạ tầng thủy lợi để điều tiết các vùng nước lợ, nước mặn và nước ngọt phù hợp với sản xuất của từng vùng và tổ chức lại sản xuất để phù hợp với từng vùng.

Quản lý, điều tiết các vùng nước lợ, nước mặn và nước ngọt phù hợp với sản xuất của từng vùng

Liên quan đến vấn đề quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước tại ĐBSCL, ông Nguyễn Anh Đức, Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tài nguyên nước tại khu vực ĐBSCL chịu tác động bởi nhiều yếu tố như thủy điện Trung Quốc trên sông Lan Thương, thủy điện hạ lưu vực sông Mê Kông, chuyển nước trong và ngoài lưu vực, phát triển tưới, sử dụng nước cho công nghiệp và sinh hoạt, công trình giao thông đường thủy, phá rừng, khai thác cát, biến đổi khí hậu lưu vực sông Mê Kông…

Theo đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị việc quản lý và sử dụng tài nguyên nước ĐBSCL phục vụ cho phát triển kinh tế, nông nghiệp tại khu vực với hai giải pháp phi công trình và công trình. Trong đó, cần hoàn chỉnh hệ thống công trình khai thác và sử dụng nước ngọt trong nội đồng đồng bộ với công trình trên hệ thống kênh trục và công trình quy mô tiểu vùng; chủ động kiểm soát mặn để vừa sử dụng hiệu quả nước mặn cho nuôi trồng thủy sản (NTTS) vừa đảm bảo giảm tác động của xâm nhập mặn lên sản xuất nông nghiệp (lúa, cây ăn quả, rau màu, cây công nghiệp...), chăn nuôi và cấp nước sinh hoạt cho người dân ven biển.

Xây dựng các giải pháp công trình phục vụ NTTS (cấp nước ngọt và nước lợ/mặn, xử lý nước thải ô nhiễm), đặc biệt các giải pháp cấp nước ngọt và nước mặn cho khu vực NTTS xa sông và xa biển. Song song các giải pháp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và NTTS, chú trọng các giải pháp cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường.

Bên cạnh ý kiến của chuyên gia Việt Nam, đại diện nhóm chuyên gia Hà Lan cũng đưa ra một số khuyến nghị khoa học về nước và nông nghiệp cùng việc phát triển trung tâm đầu mối nông sản vùng ĐBSCL.

Cụ thể, khu vực ĐBSCL cần hạn chế sử dụng, khai thác quá mức nguồn nước ngầm trong mùa khô nhằm tránh gây hiện tượng thất thoát, bảo đảm chất lượng nước trong khu vực cũng như sử dụng nguồn nước nuôi trồng thủy sản hiệu quả. Cần có nhiều chương trình, dự án nghiên cứu giống cây chịu hạn mặn, quy trình kỹ thuật mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; thành lập hành lang đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu cho hợp tác xã trong vùng.

Phương An