Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại Hải Phòng

Thứ năm, 25/8/2022 | 16:17 GMT+7
Mới đây, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành văn bản số 4855/UBND-KS gửi các tổ chức chính trị xã hội, các Sở, ban, ngành thành phố và các cơ quan báo chí truyền thông trên địa bàn về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Công văn nêu rõ, sau 10 năm thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các Sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, địa phương, các cơ quan truyền thông thực hiện các nội dung cụ thể như sau:

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, các thủ tục hành chính đã ban hành hoặc công bố có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế bảo đảm phù hợp với Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khai thác nước dưới đất không giấy phép, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách. 

Nghiên cứu, tham mưu cho UBND thành phố xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở địa phương (gồm: hệ thống hạ tầng mạng, máy chủ và phần mềm giám sát; cơ sở dữ liệu về thông tin, số liệu đo đạc, quan trắc của công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước do UBND thành phố cấp phép) phù hợp với quy định của Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở địa phương

Khẩn trương hoàn thành, trình UBND thành phố ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh; danh mục các hồ, ao, đầm phá không được san lấp trên địa bàn thành phố. Tổ chức thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch, phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo đúng quy định; thực hiện tích hợp ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.

Phối hợp với các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về tài nguyên nước để các tổ chức, cá nhân trong thành phố biết, chấp hành.

Tham gia ý kiến chuyên ngành về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước đối với các dự án có hoạt động khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên; khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô từ 0,1m3/s trở lên; khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp từ 100m3/ngày, đêm trở lên; khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 50kW; khai thác nước biển phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền từ 10.000m3/ngày, đêm trở lên; khai thác nước biển phục vụ các hoạt động trên biển, đảo.

Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư trong việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, phải bố trí diện tích phù hợp cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và chú ý đến vấn đề xả thải vào nguồn nước để không làm ảnh hưởng đến môi trường và các tầng chứa nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý nhà nước về xử lý chất thải trong chăn nuôi, sử dụng và thu gom hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. 

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện tốt phương án quy hoạch thủy lợi, quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Sở Giao thông vận tải tổ chức quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy, quản lý chặt chẽ hoạt động giao thông đường thủy, các công trình liên quan đến nguồn nước phải đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 50 Luật Tài nguyên nước.

Các cơ quan truyền thông của thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất.

UBND các quận, huyện thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; hòa giải, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khoan, đào, nhất là đối với hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ…

Thanh Tâm