Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả và bền vững

Thứ tư, 26/2/2020 | 10:18 GMT+7
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý”.

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng về chủng loại. Một số loại khoáng sản có trữ lượng, tiềm năng lớn có thể phát triển thành ngành công nghiệp như dầu khí, bauxite, titan, than, đất hiếm...

Để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, Đảng, Nhà nước đã sớm xây dựng cũng như từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên. Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đến năm 2020, Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững.

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam cho rằng: Đến thời điểm hiện nay, hệ thống chính sách và quy định pháp luật về khoáng sản cũng đã trải qua nhiều giai đoạn. Chúng ta có Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản năm 1989, Luật Khoáng sản năm 1996 sau đó sửa đổi, bổ sung vào năm 2005. Đến năm 2010, chúng ta có Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Ảnh minh họa

Ngoài ra chúng ta có 8 nghị định, trong đó có 2 nghị định được thay thế. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký Nghị định số 23 ngày 24/2/2020 về quản lý cát, sỏi lòng sông. Đây là nghị định duy nhất quản lý riêng một loại khoáng sản. Ngoài ra Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), các bộ, ngành liên quan đã xây dựng và ban hành khoảng 50 thông tư, thông tư liên tịch.

Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực năm 2011, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản được hoàn thiện. Đây là một bước hành lang pháp lý và cơ sở quan trọng để chúng ta quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản và đưa ngành công nghiệp khai khoáng nước ta phát triển theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nguồn lực của nước ta vẫn chưa được sử dụng có hiệu quả. Không ít nguồn lực ở dạng tiềm năng chưa chuyển thành động năng, chậm được vốn hóa để đưa vào phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường chia sẻ: Từ tiềm năng thành động năng là một quá trình nhưng đầu tiên là phải tháo gỡ thể chế, thứ hai là tạo hạ tầng phát triển, thứ ba là áp dụng công nghệ. Như vậy, chúng ta có thể cạnh tranh trên thế giới, có thể tính bài toán kinh tế dựa trên giá của thị trường. Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước, học hỏi kinh nghiệm của ông cha mình, kết hợp với tình hình hiện tại để tạo ra một cái riêng của Việt Nam trong bối cảnh khai thác khoáng sản hiện nay dần đi vào ổn định và theo thị trường.

Trong khi đó, ông Lại Hồng Thanh nhận định: Sau 9 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, ngành khai khoáng đã có những bước phát triển khác. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư về công nghệ thiết bị về khai thác và sử dụng tiết kiệm khoáng sản hơn, quan tâm đến bảo vệ môi trường. Đến thời điểm các mỏ sẽ bị khai thác hết và đóng cửa mỏ, chúng ta sẽ đưa ra một phương án để tiếp tục khai thác, phát triển mỏ đó để chuyển sang bước tiếp theo, phát triển theo các định hướng khác, ví dụ như khu du lịch Bửu Long ở Đồng Nai. Bên cạnh đó chúng ta cần đánh giá tiềm năng, hiện trạng của tài nguyên khoáng sản để lập ra chiến lược, kế hoạch trong giai đoạn sắp tới.

Mục tiêu tổng quát năm 2020, Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Theo ông Lại Hồng Thanh: Để thực hiện việc này Bộ TN&MT, mà trực tiếp là Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đang thực hiện một số các nhiệm vụ để chuyển sang bước mới, giai đoạn mới.

Về cơ chế chính sách, năm 2016, Bộ đã triển khai, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về chiến lược công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ đang đánh giá các tác động các chính sách, các quy định của Luật Khoáng sản sau 9 năm thực hiện. Đây là điều quan trọng nhất, bởi chúng ta xây dựng thể chế, cơ chế quản lý để quản lý chặt chẽ hơn phù hợp với tiềm năng khoáng sản của đất nước.

Thứ hai, Bộ TN&MT đã đánh giá việc thực hiện chiến lược khoáng sản của Thủ tướng Chính phủ từ 2011 và đang trình Thủ tướng đề xuất sửa đổi, điều chỉnh Chiến lược khoáng sản giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050.

Thứ ba, về Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt từ 2013, hiện nay Bộ đang lập quy hoạch để thời gian sắp tới rà soát lại toàn bộ các công việc đã làm được trong công tác điều tra cơ bản, đề xuất giai đoạn tiếp theo đến 2030, tầm nhìn đến 2050 về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản để chúng ta đánh giá được tiềm lực, tiềm năng của nguồn tài nguyên này.

Thứ tư, Bộ giao cho Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam rà soát, thống kê thực hiện Đề án thống kê, kiểm kê tài nguyên khoáng sản rắn trên phạm vi toàn quốc giai đoạn đến hết năm 2020.

“Để thực hiện được tốt Luật Khoáng sản, chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản là hoàn chỉnh; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức cá nhân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích của ba chủ thể là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, ông Thanh nhấn mạnh.

Tâm An