Ngày 3/12, ba tổ chức tài chính Hàn Quốc có tổng tài sản trị giá 73 tỷ USD đã tuyên bố chấm dứt cung cấp tài chính cho phát triển nhiệt điện than.
Trước mục tiêu giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu hiện nay, Bảo hiểm DB Insurance, Hiệp hội tín dụng giáo viên Hàn Quốc (KTCU) và Hiệp hội lợi ích công chức (POBA) đã cam kết ngừng đầu tư vào các dự án phát triển nhiệt điện than mới.
Trong họp báo tại trụ sở chính Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc (Seoul), đại diện các tổ chức này nhấn mạnh: “Mặc dù việc ngừng tài trợ phát triển nhiệt điện than là cách cơ bản nhất, nhưng đó là cách thực tế và mạnh mẽ nhất để một tổ chức tài chính lựa chọn nhằm giải quyết vấn đề bụi mịn và biến đổi khí hậu”.
Ảnh minh họa
Trước đó, năm 2018, hai quỹ hưu trí công của Hàn Quốc là quỹ Hưu trí giáo viên và Hệ thống lương hưu nhân viên chính phủ, với tổng giá trị tài sản là 22 tỷ USD, đã tuyên bố chấm dứt cung cấp tài chính cho nhiệt điện than Hàn Quốc.
Theo chiến dịch Không hợp tác với ngành than (Unfriend Coal), các chính sách về loại bỏ cung cấp tài chính cho nhiệt điện than đã được công bố bởi 17 trong số các công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới. Hầu hết các công ty này đều từ chối bảo hiểm cho các mỏ và nhà máy điện than mới, đồng thời, các nhà lãnh đạo ngành cũng đã chấm dứt bảo hiểm cho các dự án điện than hiện có, và áp dụng các chính sách tương tự cho các dự án cát dầu.
Ông Youngho Kim, Chủ tịch Diễn đàn Đầu tư Bền vững Hàn Quốc (KoSIF) - tổ chức dẫn đầu chiến dịch yêu cầu các tổ chức tài chính không tài trợ cho nhiệt điện than ở Hàn Quốc cho biết: “Trong kỷ nguyên của biến đổi khí hậu và bụi mịn, sự chấm dứt cung cấp tài chính cho nhiệt điện than của các tổ chức tài chính đã trở thành xu thế toàn cầu. Các tổ chức tài chính Hàn Quốc không nên chống lại nó mà nên tận dụng nó một cách tốt nhất vì lợi ích chung của mình”.
Thanh Bảo