Nông nghiệp sạch

Quảng Nam bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Thứ ba, 4/6/2024 | 14:50 GMT+7
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch số 4006/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật; góp phần phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân.

Cụ thể, tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản tại các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn, hệ thống sông Trường Giang, Thu Bồn, khu vực biển ven bờ, vùng lộng được; phấn đấu trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở vùng biển, nhất là vùng lộng, vùng bờ được phục hồi và tăng ít nhất 5%. Tiếp tục thực hiện tốt mô hình quản lý và hoạt động của khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm; hình thành, quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tam Hải, Tam Tiến - Núi Thành theo Quy hoạch bảo vệ nguồn lợi thủy sản quốc gia, Quy hoạch tỉnh và Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030.

Phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Tạo nơi cư trú nhân tạo tại khu vực ven biển của các huyện, thành phố: Hội An, Thăng Bình, Núi Thành nhằm tạo sinh cảnh sống, phát triển các loài thủy sản. Các huyện, thị xã, thành phố ven biển và huyện trung du, miền núi có thủy vực (hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, sông có điều kiện môi trường, dòng chảy phù hợp) tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tổ chức thực hiện mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tại các khu vực bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn đất ngập nước được hình thành.

Các loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định, loài đặc hữu, bản địa trên địa bàn tỉnh được nhận diện, xác lập hồ sơ theo dõi, đề xuất giải pháp nghiên cứu, bảo tồn nguồn gene. Hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường sống, nguồn lợi thủy sản của tỉnh hoàn thiện, cập nhật thường xuyên vào cơ sở dữ liệu quốc gia để đáp ứng thông tin cho nhu cầu quản lý, nghiên cứu.

Với mục tiêu đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản; quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam trách nhiệm là cơ quan đầu mối, chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổ chức hội thảo/hộinghị triển khai, sơ kết, tổng kết thực hiện kế hoạch; kịp thời đề xuất, kiến nghị trình UBND tỉnh quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, điều chỉnh các nhiệm vụ ưu tiên phù hợp với tình hình thực tiễn, theo quy định pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hàng năm tại địa phương, phù hợp với nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch. Xây dựng và tổng hợp kinh phí thực hiện kế hoạch trong dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm của các cơ quan, đơn vị tại thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước năm sau; gửi Sở Tài chính đối với kinh phí chi thường xuyên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với vốn đầu tư để trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Lam An