Sức ép môi trường lên các lưu vực sông

Thứ tư, 14/8/2019 | 09:00 GMT+7
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2018 vừa được Bộ TN&MT hoàn thiện phác họa bức tranh tổng quan về môi trường nước các lưu vực sông giai đoạn 5 năm qua. Bên cạnh “gam màu xanh”, những dòng sông vẫn “gồng mình” gánh chịu hàng loạt các sức ép từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó, đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông thời gian tới.

Ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai: Tập trung quản lý nguồn xả thải

Lào Cai là tỉnh đầu nguồn sông Hồng. Hiện, có rất nhiều nguồn gây sức ép cho dòng sông như: nước thải sinh hoạt từ thành phố, từ các các trang trại chăn nuôi, từ các khu du lịch, khu dân cư nông thôn, các bệnh viện... Đặc biệt, nước thải từ các khu công nghiệp, nước thải từ các nhà máy tuyển quặng sắt, đồng... chưa được xử lý triệt để thải ra môi trường cũng là một trong những gánh nặng tạo sức ép cho sông Hồng. 

Để quản lý lưu vực sông Hồng, tỉnh Lào Cai đã tăng cường quản lý đối với các nguồn xả thải. Yêu cầu các nhà máy, các khu khai thác khoáng sản phải xử lý nguồn nước trước khi thải ra môi trường; xây dựng các nhà máy nước thải tập trung cho các khu công nghiệp, cho thành phố và mới đây tỉnh cũng đã phê duyệt xây dựng thêm 2 nhà máy xử lý nước thải cho khu du lịch quốc gia Sa Pa. Tuyên truyền người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Các thủy điện vận hành đúng quy trình tránh gây hại cho dòng sông. Đẩy mạnh công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

Ông Nguyễn Quang Thiên, Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở TN&MT Sơn La: Triển khai nhiều dự án bảo vệ lưu vực sông Đà

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 2 lưu vực sông chính là lưu vực Sông Đà và lưu vực Sông Mã. Trong đó, lưu vực sông Đà là 1 trong 3 khu vực trọng điểm kinh tế của tỉnh Sơn La, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, cấp nước, điều tiết khí hậu và phòng chống bão lũ vùng hạ lưu, góp phần đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân ven sông. Tuy vậy, trong quá trình phát triển kinh tế, đã mang đến sức ép lớn tới khu vực lòng hồ Sông Đà, về thi công thủy điện, khai thác khoáng sản, áp lực dân cư, tốc độ đô thị hóa nhanh…

Hiện, toàn tỉnh Sơn La có trên 60 công trình thủy điện nằm trên 2 lưu vực sông chính, các dự án lớn chủ yếu tập trung tại lưu vực sông Đà. Phát triển thủy điện đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế, song song đó, cũng mang đến các áp lực về môi trường. Quá trình đầu tư xây dựng thủy điện phải thi công nhiều con đường, rồi trong khi xây dựng gây phát sinh lượng đất đá thải lớn, theo các dòng sông suối là nguồn gây bồi lắng, sạt lở. Đặc biệt, làm thay đổi dòng chảy các dòng sông, ảnh hưởng tới vấn đề sử dụng đất, nước, an toàn cho người dân vùng hạ du.

Theo báo Tài nguyên và Môi trường