TPHCM dự kiến chi hàng trăm tỷ đồng để kiểm soát khí thải xe máy

Thứ tư, 27/1/2021 | 16:26 GMT+7
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, cần 553 tỷ đồng để kiểm soát khí thải xe máy tại TPHCM trong 10 năm tới.

Hiện TPHCM có hơn 7,4 triệu xe máy (chiếm 93% tổng lượng xe tại thành phố), chưa kể xe vãng lai. Ước tính hàng năm, lượng khí thải CO từ xe máy là khoảng 68.479 tấn/năm, tương đương với mức tăng 15,88%/năm; khí HC (Hydrocarbon) là 4.475 tấn/năm, tăng 12,85%/năm.

Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam kiểm tra, đo khí thải hơn 10.600 xe máy ở quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình cho thấy phần lớn xe sau 5 năm sử dụng không đạt chuẩn khí thải. Do vậy, việc hạn chế lượng khí thải từ loại phương tiện này là điều thiết yếu.

Khí thải xe máy đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Trong Hội nghị tổng kết chương trình “Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố” ngày 27/1, Sở GTVT TPHCM tính toán, khi áp dụng kiểm soát khí thải xe máy, mỗi năm TPHCM sẽ giảm hơn 56.000 tấn khí CO và 4.400 tấn khí HC thải ra môi trường.

Cụ thể, năm 2021, thành phố sẽ ban hành quy định kiểm định khí thải xe máy trên địa bàn, xây dựng 88 trạm kiểm định. Giai đoạn 2022 - 2023, thành phố kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu. Phí kiểm định mỗi năm là 50.000 đồng mỗi xe, người nghèo được miễn phí. Thời gian này, xe chạy ở quận 1, 3, 5 chưa đạt chuẩn sẽ bị phạt tiền.

Trong hai năm 2024 và 2025, thành phố đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, mở rộng khu vực cần đạt chuẩn khí thải gồm: quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình.

Từ năm 2026 trở đi, mức chuẩn được nâng lên và mở rộng kiểm soát ở 13 quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp.

Tổng chi phí đầu tư nhân lực, hệ thống kiểm soát khí thải xe máy đến năm 2030 được tính vào khoảng 553 tỷ đồng. Ban đầu, thành phố chi khoảng 200 tỷ đồng đầu tư, sau đó với mức thu 50.000 mỗi xe, đến năm 2023 sẽ thu hồi vốn. Từ năm 2024 trở đi, thành phố không phải đầu tư thêm mà dùng nguồn thu từ kiểm định để duy trì kiểm soát.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, qua khảo sát cho thấy có đến 70 – 80% người dân sinh sống tại TPHCM dùng xe gắn máy để đi lại, mưu sinh. Do đó nếu thực hiện kiểm soát khí thải đột ngột, không có sự hỗ trợ từ các tổ chức, cơ quan nhà nước sẽ khiến người dân gặp không ít khó khăn.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, để người dân đồng tình, ủng hộ, hướng tới tự nguyện kiểm tra, kiểm soát khí thải phương tiện của mình, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về mức độ ô nhiễm không khí, những ảnh hưởng đến sức khỏe; đồng thời cần thực hiện đề án theo lộ trình, giai đoạn và từng khu vực cụ thể.

Huyền Dung