Công nghệ Giao thông

TPHCM phấn đấu chuyển đổi toàn bộ xe buýt thành phương tiện sử dụng năng lượng xanh

Thứ ba, 30/7/2024 | 17:27 GMT+7
Ngày 30/7, tại TPHCM, Sở Giao thông vận tải TPHCM tổ chức hội thảo về chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng điện đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết, mục tiêu mà thành phố đang định hướng là đến năm 2030, xe buýt tại TPHCM sẽ đạt 100% là phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng điện. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tuy xe điện chưa phải đích đến cuối cùng trong phát triển giao thông nhưng là sự lựa chọn tối ưu trong 10 - 15 năm tới.

Hiện nay, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội cho phép TPHCM thực hiện việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông bằng hình thức khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi khi thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch.

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt của thành phố là phương tiện sử dụng năng lượng xanh

Theo ông Phạm Vương Bảo, TPHCM sẽ đảm bảo lộ trình chuyển đổi theo Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải và phát huy cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Thành phố lựa chọn, xác định cơ cấu xe buýt điện và xe buýt CNG phù hợp điều kiện thực tế về hạ tầng trạm sạc, trạm nạp cũng như khả năng cung ứng nguồn điện, nguồn CNG; phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của doanh nghiệp và nhà nước.

Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải nhận định, TPHCM đặt mục tiêu 2030 là sớm hơn nhiều so với cả nước. Thành phố có thuận lợi là tỷ lệ tuyến kết thúc hợp đồng, đấu thầu lại trong các năm 2025 và 2026 khá lớn nên có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần phải đồng bộ với hạ tầng; trong đó khó khăn lớn nhất là bố trí đất cho trạm sạc xe buýt.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, thành phố sẽ ưu tiên chuyển đổi sang năng lượng xanh cho xe buýt. Sở nghiên cứu triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến tháng 9 tới, sẽ hoàn thiện cơ chế chuyển đổi trước xe buýt điện, xe CNG; song song đó nghiên cứu thêm cơ chế chính sách chuyển đổi taxi, xe công nghệ sang xe điện. Giai đoạn 2 sẽ chuyển đổi tất cả phương tiện, từ xe công tới tư, xe máy, ô tô… Thành phố sẽ tính toán chuyển đổi theo vùng, theo đối tượng cho phù hợp.

Hiện Sở Giao thông vận tải cũng đã xác định sơ đồ trạm sạc, dự kiến phân bổ mạng lưới các trạm, trước mắt là tại bến xe buýt và depot. Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã làm việc với ngành điện và Sở Công Thương về nguồn điện. Sở Giao thông vận tải sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các sở ngành chuyên môn về chính sách đầu tư, định mức kỹ thuật, đơn giá, chính sách hỗ trợ…

Hải Long (t/h)