Công nghệ Giao thông

Nghiên cứu phát triển đô thị theo mô hình TOD tại TPHCM

Thứ sáu, 5/7/2024 | 14:26 GMT+7
Ngày 5/7, tại TPHCM, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM phối hợp với trường Đại học Tài nguyên Môi trường TPHCM tổ chức Hội thảo tích hợp quy hoạch để phát triển đô thị theo mô hình TOD tại TPHCM.

TOD (Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường trong phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đời sống.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM cho biết, thành phố đang triển khai kế hoạch, đề án phát triển đô thị theo mô hình TOD xung quanh nhà ga của các tuyến metro, định hình đô thị, khơi thông nguồn lực để phát triển. Hội thảo hy vọng mang lại nhiều giá trị thiết thực, giúp các sở, ngành thành phố và các tỉnh hội thành viên, các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp có góc nhìn rộng hơn về TOD đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Theo PGS.TS Hồ Quốc Chinh, Đại học Sydney (Australia), việc thực hiện mô hình TOD ở TPHCM rất khó. Thành phố cần phát triển “mục tiêu” trước khi thí điểm làm TOD bởi gặp trở ngại lớn hơn so với các nước phát triển. Trở ngại đó là TPHCM triển khai TOD khi tuyến đã hình thành trước (nhà ga, tuyến metro đã định trước), giá đất tăng lên do đầu tư metro. Mô hình TOD cũng tạo áp lực tài chính trong xây thêm ga mới và phát triển vùng lân cận ga.

Phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường trong phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đời sống

Ông Hồ Quốc Chinh đề xuất đặt tiêu chí đánh giá tập trung vào giao thông dọc tuyến và các cặp điểm đầu - cuối khi thí điểm TOD tại TPHCM. Thành phố có thể phát triển cơ sở hạ tầng quanh ga giúp tăng độ tiếp cận và quay vòng vốn để tái đầu tư. Đó là phát triển khu vực các nhà ga Bến Thành, Tao Đàn, Dân Chủ, Văn Thánh của các tuyến metro thành các khối văn phòng tập trung; quy hoạch các ga ngoại ô thành những khu dân cư mật độ cao (nhà chung cư cao tầng).

Vị chuyên gia từ Đại học Sydney cho rằng, TPHCM đang gánh một trọng trách nặng trong việc làm thí điểm mô hình TOD, thực hiện thành công sẽ thay đổi bộ mặt của cả nước trong quy hoạch. Do đó, thành phố cần cân nhắc kỹ khi chọn mục tiêu, chọn điểm làm thí điểm TOD, chọn chuyên gia hỗ trợ.

Các chuyên gia tham dự hội thảo cũng trao đổi về việc tổ chức không gian trong khu vực TOD; khuyến nghị áp dụng thí điểm và hoàn thiện khung pháp lý các chính sách như: tái điều chỉnh đất, bán quyền phát triển không gian (do diện tích sàn xây dựng tăng thêm) thông qua việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm khi hệ số sử dụng đất tăng thêm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đề xuất xây dựng phương pháp xác định hệ số sử dụng đất tăng thêm của những khu đất trong khu vực TOD; cách xác định giá trị đất tăng thêm do có nhà ga metro, do khả năng tiếp cận được cải thiện và hệ số sử dụng đất tăng thêm…

Hải Long (t/h)