Mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc, sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại. TPHCM khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ giống chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp thành phố. Qua đó, ngành nông nghiệp TPHCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có năng suất, giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)
Theo đó, TPHCM đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất phát triển giống và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, tiếp tục triển khai đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao mở rộng trong lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chế phẩm sinh học, chăn nuôi (heo, bò, gà và dê), giống và bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, đầu tư phát triển Trung tâm công nghệ sinh học thành phố nhằm đáp ứng công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp.
UBND TPHCM giao Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV triển khai thực hiện việc cải tạo, sửa chữa nâng cấp chuồng hở sang chuồng kín đối với các trại heo, trại gà để đảm bảo công tác phòng ngừa dịch bệnh; đầu tư nâng cấp và hoàn thiện dây chuyền sản xuất các sản phẩm sơ chế thủy sản.
Đồng thời, khuyến nông, chuyển giao giống mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong đó, xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; canh tác rau và hoa, cây kiểng, nuôi trồng nấm; cơ giới hóa trong lĩnh vực chăn nuôi; tăng cường giới thiệu, tư vấn các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hướng dẫn tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố hiệu quả; tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao về quy trình trồng rau, hoa, cây kiểng, nấm và nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, đào tạo năng lực thực hành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho nguồn nhân lực lao động nông thôn tham gia trong lĩnh vực giống: cây rau, hoa cây kiểng, chăn nuôi bò sữa, nuôi tôm, nấm ăn, nấm dược liệu và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố. Tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước cho cán bộ kỹ thuật trong hoạt động sản xuất và lai tạo các giống rau, hoa, cây kiểng học tập mô hình chăn nuôi bò sữa, bò thịt ứng dụng công nghệ cao, học tập các mô hình hợp tác xã điển hình về liên kết sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai cơ chế chính sách rau an toàn và tiêu thụ hoa, cây kiểng cho ban giám đốc hợp tác xã, xã viên nòng cốt…
Đồng thời, phát huy vai trò trung tâm hợp tác xã, xây dựng thành công mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; hỗ trợ hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý, điều hành hợp tác xã. Nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc: hỗ trợ, tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng VietGAP trồng trọt HACCP cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Bên cạnh đó, liên kết các doanh nghiệp cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm của thành phố với các hộ sản xuất nhỏ lẻ (trong và ngoài thành phố), hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Tổ chức sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo chuỗi giá trị, liên kết từ khâu con giống - vật tư nông nghiệp - sản xuất - giết mổ, sơ chế, chế biến - phân phối, tiêu thụ nhằm phát triển các dịch vụ sản xuất cung ứng giống cây trồng, vật nuôi. Chủ động kiểm soát nguồn nguyên liệu, giá thành và chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tạo mối liên kết và quảng bá để thu hút các tổ chức, cá nhân có nhu cầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất…
Ngoài ra, mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư, hỗ trợ vốn cho sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ và xuất khẩu. Khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới, tích hợp các xu hướng và thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0.