Tái chế rác ngư cụ tại vùng biển Việt Nam

Thứ ba, 16/1/2024 | 14:32 GMT+7
Từ ngày 15 – 17/1, Hội thảo quốc tế Phòng ngừa, tái chế rác thải ngư cụ tại vùng biển Việt Nam (REVFIN) diễn ra tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ dự án do Bộ Môi trường, bảo tồn tài nguyên, an ninh nguyên tử và bảo vệ người tiêu dùng do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, trường Osfalia (Đức) phối hợp với trường Đại học Nha Trang và 25 đối tác tại Việt Nam, trong đó có trường Đại học Hạ Long thực hiện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long Nguyễn Đức Tiệp nhấn mạnh, ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến hệ sinh thái, môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới. Nhằm giảm thiểu rác thải biển, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nghị quyết, văn bản về vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Cụ thể, Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025, 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, đến năm 2030, 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.

Quang cảnh hội thảo

Quảng Ninh là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển, với hơn 250km bờ biển, trên 6.000km2 mặt biển, trên 1.000km2 hải đảo và có tới 9/13 địa phương tiếp giáp với biển. Những năm qua, việc giữ gìn môi trường biển được tỉnh đặc biệt quan tâm với quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng”. Tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo doanh nghiệp, cộng đồng nghiêm túc thực hiện việc chuyển đổi phao xốp sử dụng trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng túi nilon; đánh bắt, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

Thời gian qua, trường Đại học Hạ Long cũng triển khai nhiều hoạt động cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường như: nói không với rác thải nhựa, thành lập câu lạc bộ tái chế xanh, Ngày chủ nhật xanh, tham gia xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom, xử lý rác thải nhựa vùng ven vịnh Hạ Long.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia tập trung phân tích đánh giá hiện trạng rác thải ngư cụ trên vùng biển Việt Nam thông qua kết quả khảo sát do thành viên của dự án thực hiện trong năm 2023 tại một số vùng biển tiêu biểu của Việt Nam như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang; xác định và đánh giá các phương pháp tái chế chất thải thủy sản nhằm giảm ô nhiễm đại dương. Từ đó đưa ra kế hoạch, giải pháp cần thiết để dự án tiếp tục được phát triển trong thời gian tới, đạt được mục tiêu đặt ra, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường biển của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Hội thảo cũng hướng đến những giải pháp thân thiện nhằm giảm tác động đến môi trường, tạo ra thị trường cho nguyên liệu thô tái chế từ các nguồn rác thải để tạo ra chuỗi giá trị khép kín.

Ngọc Huyền (T/H)