Năng lượng gió

Tân Hoàn Cầu hướng tới mục tiêu đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Thứ sáu, 5/2/2021 | 00:20 GMT+7
Công ty CP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Công ty CP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu được thành lập vào đầu năm 2005 (địa chỉ: khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) với ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư sản xuất, truyền tải, phân phối kinh doanh điện năng và xây dựng các công trình công nghiệp – dân dụng (thủy lợi, thủy điện, điện gió) và các công trình điện đến 500kV trong nước và quốc tế.

Sau khi nghiên cứu các cơ hội, tiềm năng gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, công ty đã quyết định chinh phục ngọn “gió Lào” nơi đây. Công ty đã cùng với đội ngũ các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế (chuyên gia của Vetas) nghiên cứu, tìm ra giải pháp tối ưu nhất nhằm biến nguồn tài nguyên gió của Quảng Trị thành nguồn năng lượng điện sạch.

Tháng 11/2015, UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý cho triển khai dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 tại thôn Hoong Coóc, xã Hướng Linh, thời hạn hoạt động 50 năm do Tân Hoàn Cầu đầu tư với tổng vốn 1.400 tỷ đồng, gồm 15 turbine gió.

Cánh đồng điện gió Hướng Linh

Theo ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Công ty CP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu: Chúng tôi đã mời những nhà tư vấn hàng đầu thế giới về điện gió và quyết định nhập thiết bị dự kiến nhập từ CHLB Đức, công suất mỗi turbine là 2MW, tổng công suất 30MW. Thời gian từ giữa tháng 6/2016 khi có quyết định đầu tư, Tân Hoàn Cầu được Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) cấp, bảo lãnh gói tín dụng cho Nhà máy Hướng Linh 2 là 900 tỷ đồng với thiết bị nhập khẩu. Hơn 1 năm sau, dự án đã được hòa lưới điện quốc gia, hoàn thành so với kế hoạch trước 1 năm, tiếp tục đầu tư vào dự án Hướng Linh 1.

Bên cạnh đầu tư khai thác lợi thế từ gió để biến thành điện năng, các dự án điện gió còn làm thay đổi diện mạo của vùng quê nghèo – nơi dự án triển khai. Ngoài việc được hưởng lợi vì sử dụng điện năng từ dự án, người dân xung quanh nhà máy đã và đang được hưởng rất nhiều lợi ích thiết thực. Việc đầu tư xây dựng các dự án điện Gió Hướng Linh của Tổng công ty Tân Hoàng Cầu đã và đang góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân nơi đây, nhất là người Vân Kiều – Pa Cô ở huyện Hướng Hóa. Đặc biệt, từ khi các dự án điện gió được triển khai đã thu hút được nguồn lao động lớn của tỉnh về làm việc, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động Quảng Trị.

Đến nay, Công ty CP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu là đơn vị tiên phong trong việc phát triển điện gió tại Quảng Trị. Những dự án đã đi vào hoạt động của công ty đạt hiệu quả cao, qua đó góp phần phát triển năng lượng sạch tại địa phương cũng như đưa Quảng Trị trở thành khu vực trung tâm phát triển năng lượng lớn của miền Trung. 

Sau 15 năm phát triển, hiện tổng công suất các dự án đã hoạt động và đang đầu tư của Tân Hoàn Cầu là: 1.020MW. Cụ thể các dự án gồm: 5 nhà máy thủy điện: Nhà máy thủy điện Khe Giông 4,5MW; Nhà máy thủy điện Khe Nghi 9MW, Nhà máy thủy điện Đức Thành 42MW, Nhà máy thủy điện Hướng Phùng18MW. Hiện Tân Hoàn Cầu đang đầu tư 5 cụm dự án điện gió (tổng cộng 41 dự án con) tại Việt Nam: cụm dự án điện gió Hướng Linh (240MW); cụm dự án điện gió Thạnh Hải (132MW); cụm dự án điện gió Hải Phong (600MW); cụm dự án điện gió Hướng Hiệp (90MW); cụm dự án điện gió Bãi Dinh (180MW).

Kỹ sư vận hành nhà máy điện gió

Bên cạnh đó, Tân Hoàn Cầu còn các dự án đang triển khai quy hoạch gồm 10 nhà máy điện gió có tổng công suất 300MW và 2 nhà máy thủy điện (Phước Cát 1, Phước Cát 2) có tổng công suất 200MW. Theo Tân Hoàn Cầu, điện gió là ưu tiên hàng đầu của công ty. Bởi việc phát triển điện gió phù hợp với chiến lược toàn cầu, giảm thiếu các nguồn năng lượng hóa thạch, tăng các nguồn năng lượng sạch cũng như phù hợp định hướng, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo rõ ràng từ Đảng và Chính phủ. Lợi ích kinh tế lớn, thu hồi vốn nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt cho chủ đầu tư. Các dự án đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia thông qua thuế, đem lại công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Dự án điện gió dưới biển còn đóng vai trò làm hành lang mềm, chống sạt lở. Thiết bị và vận hành bảo dưỡng được cung cấp bởi những nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về vận hành các nhà máy, tạo ra sự ổn định lâu dài trong hoạt động.

Tân Hoàn Cầu đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam với tổng tài sản hơn 10 tỷ USD vào năm 2025.

Lan Anh