Tăng cường đảm bảo an toàn các hoạt động giao thông thủy trong mùa mưa bão

Thứ sáu, 26/4/2024 | 11:11 GMT+7
Ngày 25/4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành Công văn số 154/VPTT đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường bảo đảm an toàn về người trong hoạt động giao thông thủy trong mùa mưa bão.

Bảo đảm an toàn về người trong hoạt động giao thông thủy trong mùa mưa bão

Công văn nêu, những ngày qua, nhiều địa phương đã xảy ra dông lốc và gió giật mạnh, gây thiệt hại về người, tài sản. Trong đó ghi nhận một số vụ lật, chìm phương tiện giao thông đường thủy làm thiệt hại đáng tiếc về người. Do đó, nhằm chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn cho người dân, phương tiện hoạt động trên sông, trên biển, đặc biệt trong thời điểm giao mùa thường xảy ra dông, lốc bất ngờ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 25/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ. 

Cụ thể, tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các chủ phương tiện giao thông thủy, người hoạt động sản xuất trên sông, hồ, biển (bao gồm cả tàu, thuyền du lịch, đánh cá, vận tải; các khu nuôi trồng thủy, hải sản…) nghiêm túc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên sông, trên biển; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn như không trang bị phao cứu sinh, không mặc áo phao khi tham gia giao thông thủy, chở quá số người, tải trọng cho phép…

Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân (nếu có). Kiên quyết không cho phương tiện giao thông thủy xuất bến khi có tình huống thiên tai nguy hiểm.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc và gió giật mạnh để giảm thiểu thiệt hại.

Tổ chức thường trực, trực ban, tổng hợp báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng thường trực Ủy ban quốc gia về Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Khả Như (T/H)