Tăng cường quản lý tài nguyên nước và bảo vệ những dòng sông

Thứ ba, 15/3/2022 | 09:21 GMT+7
Nhân Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông 14/3, việc quản lý tài nguyên nước ngọt và bảo vệ những dòng sông đảm bảo mạch nguồn xanh cần được chú trọng trong thời gian tới đây.

Năm 2022, các quốc gia trên thế giới sẽ tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) lần thứ 15 bởi hệ sinh thái nước ngọt đang bị suy thoái nhiều nhất trên thế giới. Trong đó, các hệ thống sông là khu vực có sự đa dạng sinh học cao nhất trên trái đất và cũng là nơi có hoạt động mạnh nhất của con người.

Để giải quyết vấn đề này các quốc gia cần hành động khẩn trương, quyết liệt, trên tinh thần cùng chung tay nỗ lực xây dựng, thực hiện các chính sách, kế hoạch và sáng kiến ngăn chặn sự suy thoái hệ sinh thái vì tương lai của toàn thể nhân loại.

Cụ thể, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Thượng Hiền, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt xác định rõ ưu tiên của Việt Nam về công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thời gian tới. Đó là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, tính kết nối của hệ sinh thái; đa dạng sinh học được sử dụng bền vững góp phần phát triển nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảo vệ các con sông, hệ sinh thái nước ngọt trước nguy cơ suy thoái

Bên cạnh đó, trước các thách thức về quản lý sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước, sau khi Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Tài nguyên nước (1998), Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên này theo lưu vực sông.

Năm 2022, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ TN&MT, được giao lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Triển khai thực hiện các quy hoạch, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh cho biết, Trung tâm đã thu thập bổ sung tài liệu, dữ liệu liên quan; tổ chức hội thảo về định hướng quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục hoàn thiện các kịch bản quy hoạch, đánh giá hiện trạng lưu vực sông gồm tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, kinh tế - xã hội…

Bà Nguyễn Thị Thu Linh, quyền Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho rằng, hiện bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều quan ngại về các hoạt động phát triển lưu vực, đặc biệt là phát triển thủy điện, làm thay đổi đáng kể dòng chảy, dao động mực nước trên sông, làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Do vậy, năm 2022, Văn phòng sẽ tiếp tục theo sát tình hình khai thác sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan tại các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông, kịp thời báo cáo các vấn đề nóng trong lưu vực; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương, chia sẻ dữ liệu với Campuchia, Lào; tiếp tục đàm phán Hiệp định về quy chế sử dụng nước dọc biên giới Việt Nam – Campuchia. Phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ sửa đổi Luật Tài nguyên nước, các chính sách, chương trình, dự án bảo đảm an ninh nguồn nước nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Huyền Dung (T/H)