Năng lượng mặt trời

Tăng cường triển khai điện mặt trời ở các nước đang phát triển

Thứ sáu, 11/11/2022 | 10:12 GMT+7
Ngày 10/11, trong khuôn khổ Hội nghị COP 27 diễn ra tại Ai Cập, Liên minh Năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh (GEAPP) vừa ký thỏa thuận tài trợ 10 triệu USD với Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) nhằm tăng cường triển khai năng lượng mặt trời ở các nước đang phát triển.

Theo thỏa thuận, ISA sẽ tăng cường các chương trình xây dựng năng lực ở các nước kém phát triển (LDCs) và các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SID), đồng thời tăng cường các nỗ lực phân tích, vận động chính sách của mình thúc đẩy việc triển khai năng lượng mặt trời.

Tiến sĩ Ajay Mathur, Tổng giám đốc Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế cho biết: Thông qua quan hệ đối tác này, ISA sẽ hỗ trợ 110 quốc gia thành viên và đối tác trong việc phát triển một hệ sinh thái năng lượng mặt trời sôi động, nâng cao năng lực, giảm thiểu rủi ro và tạo ra các công cụ tài chính sáng tạo, huy động đầu tư, thúc đẩy công nghệ.

Ảnh minh họa

Theo Giám đốc điều hành GEAPP Simon Harford, các quốc gia thiếu năng lượng đại diện cho khoảng một nửa dân số toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ có 6% tổng số nguồn điện mặt trời và điện gió được triển khai vào năm 2021 đến được các quốc gia này. Trên thực tế, chỉ 1% tổng công suất điện gió và năng lượng mặt trời từng được triển khai đã được lắp đặt ở châu Phi. Đây là một xu hướng mà GEAPP quyết tâm đảo ngược. GEAPP sẽ hợp tác với các đối tác như ISA để cung cấp các giải pháp năng lượng sạch với sự hợp tác của chính phủ, giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng hơn cùng sinh kế bền vững.

Các phương thức hợp tác bao gồm khuyến khích trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng của nguồn điện từ năng lượng mặt trời, đào tạo nâng cao để tăng cường năng lực về công nghệ và tài chính, nâng cao nhận thức về năng lượng mặt trời cũng như áp dụng nhiều hơn nữa các công nghệ đổi mới.

Quan hệ đối tác ISA - GEAPP sẽ nâng cao nhận thức để thúc đẩy chính sách và môi trường pháp lý thuận lợi hỗ trợ việc chuyển đổi sang năng lượng sạch. Mô hình này đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng toàn cầu, mở ra một kỷ nguyên mới về tăng trưởng kinh tế bao trùm đồng thời cho phép đáp ứng các mục tiêu khí hậu quan trọng trong thập kỷ tới.

Lan Anh (theo pv magazine)