Tăng khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị

Chủ nhật, 14/11/2021 | 10:43 GMT+7
Trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đã cùng hợp tác nhằm tăng khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho một số khu vực đô thị ở Việt Nam.

Văn phòng Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) vừa phối hợp với Trung tâm Phòng, chống thiên tai châu Á (ADPC) tổ chức hội thảo tham vấn kỹ thuật đối với dự án “Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị (URCE) ở Đông Nam Á".

Hội thảo nhằm xây dựng các hoạt động chi tiết, hỗ trợ kỹ thuật cho công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực đô thị tại Việt Nam, đặc biệt ở 2 thành phố thí điểm là Nam Định và Mỹ Tho (Tiền Giang).

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2019, gần 36,62% dân số Việt Nam tập trung ở khu vực thành thị. Dự kiến, quá trình đô thị hóa sẽ tiếp tục tăng ở Việt Nam và đến năm 2050 tỷ lệ dân số sống ở khu vực đô thị sẽ là 57%.

Việt Nam có đường bờ biển dài gần 3.000km, đa số các thành phố lớn và trung tâm đô thị của Việt Nam nằm ven biển hoặc dọc các con sông. Các khu vực đô thị đang phải đối mặt với nhiều thách thức và tình trạng dễ bị tổn thương do thiên tai liên quan đến khí hậu (bão, ngập lụt, lũ, xâm nhập mặn và nước biển dâng), cũng như các yếu tố liên quan đến con người như đô thị hóa nhanh không theo kế hoạch, cơ sở hạ tầng dân sự lạc hậu.

Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị Việt Nam

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy, ADPC đã khởi xướng triển khai chương trình 5 năm về tăng cường khả năng URCE ở Đông Nam Á. Theo ADPC, để tăng cường khả năng URCE cần phải hiểu các rủi ro hiện tại và trong tương lai, xây dựng năng lực phòng ngừa, quản lý khẩn cấp, phát triển ngành cũng như cơ chế quản trị rủi ro và học hỏi để quản lý rủi ro bền vững cho tương lai.

Theo đó, chương trình của ADPC đã tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống và cộng đồng cư dân khu vực đô thị, một số thành phố của Myanmar và Việt Nam trước các hiện tượng khí hậu cực đoan mới nổi, thiên tai và tình trạng khẩn cấp được dự đoán trước.

Cụ thể, ADPC đề xuất áp dụng cách tiếp cận đa ngành với sự tham gia của các bên liên quan từ nhiều lĩnh vực khác nhau để tham mưu cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai thiết kế những hoạt động phù hợp tại Việt Nam.

Hiện tại, ADPC đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổ chức tham vấn kỹ thuật với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để xây dựng nhiệm vụ cụ thể và xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động nhằm đạt được 5 kết quả chính mà dự án đã đặt ra.

Bao gồm: cải tiến hệ thống cảnh báo sớm mối nguy hại về biến đổi khí hậu, kiến thức về rủi ro do các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt; tăng cường sự sẵn sàng của cộng đồng đô thị và địa phương; cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó khẩn cấp của các ngành đô thị; tăng cường hệ thống quản trị rủi ro đô thị để đối phó với các trường hợp khẩn cấp, cực đoan về khí hậu mới nổi; trao đổi, chia sẻ kiến thức về xây dựng đô thị có khả năng chống chịu với khí hậu khắc nghiệt thông qua các sự kiện và diễn đàn cấp khu vực và quốc gia.

Dự kiến, các phát hiện từ các nghiên cứu trong khuôn khổ dự án và kiến thức về URCE được tổng hợp từ kinh nghiệm quốc tế sẽ được nhân rộng ở các thành phố thuộc Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Thanh Bảo