Sản phẩm, công nghệ

Tạo ra xốp từ bỏng ngô

Thứ ba, 23/11/2021 | 08:30 GMT+7
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Georg August (Đức), xốp làm từ bỏng ngô dễ phân hủy có thể dùng thay thế cho xốp bọt biển phổ biến hiện nay.

Xốp polystyrene (EPS) - xốp bọt biển là một vật liệu vô cùng quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta. Chúng rẻ, nhẹ, tiện dụng nên được ứng dụng rất nhiều trong thực tiễn như đóng gói đồ đạc, chống sốc, cách âm… nhưng không phân hủy sinh học và khó tái chế. Việc lạm dụng xốp EPS đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tỷ lệ này đang không ngừng tăng cao.

Trước thực trạng này, các nhà khoa học Đức đã phát triển một giải pháp thay thế khả thi, đó là loại xốp làm từ bỏng ngô.

Xốp làm từ bỏng ngô được sáng chế từ các nhà khoa học thuộc Đại học Georg August

Giáo sư Alireza Kharazipour, người đứng đầu nghiên cứu thuộc Đại học Georg August chia sẻ, ý tưởng này xuất phát từ hơn 10 năm trước, khi ông mua một túi bỏng ngô tại rạp chiếu phim. Kể từ đó, nhóm của ông đã nghĩ ra phương pháp sử dụng vật liệu này để thay thế loại xốp EPS với giá cả tương đương nhưng có thể phân hủy sinh học hoặc có thể tái tạo.

Theo nhóm nghiên cứu, quá trình sản xuất xốp từ bỏng ngô bắt đầu từ cắt hạt ngô thành các mảnh nhỏ, sau đó sử dụng hơi nước có áp suất để làm nở chúng như bỏng ngô. Sau đó, các nhà khoa học sử dụng một chất liên kết có nguồn gốc từ protein thực vật để trộn với các hạt đã nở. Hỗn hợp thu được sẽ được ép vào khuôn với nhiều hình dạng khác nhau và được sử dụng như loại xốp EPS.

Đáng chú ý, bọt từ bỏng ngô hấp thụ nhiệt tốt hơn, ít dễ cháy hơn nhiều EPS và có thể làm phân trộn hoặc cắt nhỏ để tái sử dụng. Đặc biệt, loại xốp này còn được sử dụng để sản xuất khí sinh học, thậm chí là làm thức ăn gia súc sau khi bị loại bỏ.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, ngoài hạt ngô, phế thải trong sản xuất, chế biến ngô như lõi ngô, ngô bị hỏng cũng có thể được sử dụng trong sản xuất xốp.

Hiện tại, công nghệ này đã được cấp phép thương mại hóa sử dụng trong cách nhiệt tòa nhà, nguyên liệu cho sản xuất bao bì bảo vệ /cách nhiệt, thiết bị thể thao và trong sản xuất ô tô ở Đức.

Giáo sư Alireza Kharazipour chia sẻ, nghiên cứu góp phần hướng đến xây dựng môi trường sạch, bền vững, loại bỏ các sản phẩm làm từ nhựa.

Gia Linh (Theo New Atlas)