Năng lượng tái tạo

Tập đoàn Phần Lan hợp tác phát triển công nghệ điện linh hoạt tại Việt Nam

Thứ tư, 16/10/2024 | 08:00 GMT+7
Công nghệ điện khí linh hoạt của Tập đoàn Wartsila (Hà Lan) phù hợp với mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam do có thể đáp ứng khả năng tạo nguồn điện nền linh hoạt bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), ngày 15/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long làm việc Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto và đại diện Tập đoàn Wartsila Phần Lan.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các hoạt động hợp tác thương mại, năng lượng giữa hai nước thời gian vừa qua. Phần Lan đã tích cực hợp tác trong quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam với những dự án tiêu biểu gần đây như dự án Nhà máy điện rác Thăng Long - Bắc Ninh, dự án chuyển đổi Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình sang công nghệ điện linh hoạt ICE hợp tác giữa Tổng công ty Phát điện 3 (EVN GENCO3) với Tập đoàn Wartsila Phần Lan.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: moit.gov.vn)

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long hoan nghênh quan tâm hợp tác của Phần Lan trong tiến trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Thứ trưởng cũng chia sẻ với đối tác Phần Lan về tình hình, chính sách chuyển đổi năng lượng Việt Nam, trong đó có việc triển khai Chương trình đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thứ trưởng đề nghị Phần Lan với tư cách là thành viên EU và là nước có công nghệ tiên tiến hàng đầu có thể tham gia, hỗ trợ Việt Nam trong chương trình này.

Tại cuộc gặp, đại diện Tập đoàn Wartsila và EVN GENCO3 đã báo cáo về tiến độ hợp tác trong dự án chuyển đổi Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình sang công nghệ điện linh hoạt ICE.

Theo ông Frederic Carron, Phó Chủ tịch Tập đoàn Wartsila, công nghệ điện khí linh hoạt của Wartsila phù hợp với mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam do có thể đáp ứng khả năng tạo nguồn điện nền linh hoạt bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Đồng thời, công nghệ này cũng có khả năng chuyển đổi dần từ sử dụng khí LNG sang dùng hydrogen xanh, giúp đảm bảo cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

Đại diện EVN GENCO 3 đã trình bày chi tiết về kế hoạch chuyển đổi nhà máy, trong đó nhấn mạnh, bên cạnh các lợi ích kinh tế, chuyển đổi xanh, việc chuyển đổi này còn giúp giải quyết vấn đề việc làm cho khoảng 400 người lao động sau khi đóng cửa Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.

Lan Anh