Năng lượng tái tạo

Tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án điện vào vận hành thương mại

Thứ năm, 13/7/2023 | 10:22 GMT+7
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhất là thủ tục pháp lý để sớm đưa các dự án điện (nhất là các dự án năng lượng tái tạo) đi vào vận hành thương mại, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Công Thương thông tin về tình hình cung cấp điện trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng điện mùa khô năm 2023, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp cụ thể về tiết kiệm điện; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện mới cho hệ thống; tập trung khắc phục những sự cố nguồn điện; đảm bảo khả năng truyền tải…

Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6 năm 2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh, cao hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 47,8% so với kế hoạch năm 2023 (284,5 tỷ kWh).

Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi; Luật về năng lượng tái tạo và các văn bản hướng dẫn...

Bộ Công Thương cho biết, trong nửa đầu năm nay, ngành năng lượng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ tại một số địa phương, xảy ra thiếu điện ở một số địa phương phía Bắc gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt. Công tác điều tiết giá đối với các mặt hàng điện, xăng dầu còn nhiều hạn chế; thực hiện chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm thực thi cam kết về giảm phát thải tại COP26… còn chậm.

Công tác xây dựng quy hoạch ngành (Quy hoạch điện VIII, quy hoạch năng lượng quốc gia, quy hoạch khai thác khoáng sản, quy hoạch hạ tầng xăng dầu và khí đốt) kéo dài do phát sinh những yếu tố mới cần phải tuân thủ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình; các quy hoạch có nội dung đan xen, phụ thuộc lẫn nhau khiến quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành bị chậm.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để cung ứng điện cho nền kinh tế. Bao gồm: điều tiết việc cung cấp than, sản xuất, nhập khẩu than; khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện; khẩn trương hoàn tất đàm phán với chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đủ điều kiện theo quy định để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia; tăng cường truyền thông về công tác tiết kiệm điện.

Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nguồn; trình Chính phủ chiến lược phát triển năng lượng sạch như hydrogen xanh, amoniac xanh. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và Chiến lược phát triển ngành điện. Hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi; Luật về năng lượng tái tạo và các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là đối với những nội dung liên quan đến khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió, hợp đồng mua bán điện, cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo… hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhất là thủ tục pháp lý để sớm đưa các dự án điện (nhất là các dự án năng lượng tái tạo) đi vào vận hành thương mại, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Tiến Đạt