Văn hóa, du lịch

Theo điện lên rừng - một kỷ niệm khó quên!

Thứ bảy, 21/5/2016 | 15:19 GMT+7

Tính đến tháng 5 năm 2016 này, tôi vừa tròn 40 năm bước vào nghề làm báo. Từng làm phóng viên điều tra năng nổ, rồi dần dần lên đến Tổng biên tập một tờ báo cấp Bộ, lăn lộn trong cuộc sống không ít, thế nhưng sau một chuyến “Theo điện lên rừng” vào hồi cuối năm 2013 mới thấm thía triết lý về cái vòng tròn và sự hiểu biết của con người. Rằng sự hiểu biết của mỗi con người như trong một cái vòng tròn. Khi sự hiểu biết lớn lên thì cái vòng tròn cũng lớn lên và khi đó, đồng thời tiếp xúc với sự không hiểu biết càng lớn hơn. Và mới ngộ ra rằng, mọi sự khiêm tốn trong mỗi con người sẽ không bao giờ thừa.

Chuyến đi ấy còn có nhà văn Đặng Ái, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa. Chúng tôi đi tàu lên Lào Cai rồi đi ô tô khách sang Lai Châu.

Lên đến Cổng Trời, tuyết vẫn đang phủ trắng các ngọn núi. Hàng đống tuyết ngồn ngộn hai bên đường. Lại có ai đó lấy tuyết đắp thành những con vật ngộ nghĩnh. Chúng tôi đề nghị và bác tài đồng ý cho xe dừng lại mấy phút để chụp ảnh.

Đường lên bản đang được bê tông hóa.

Do mục đích của chuyến đi là "theo điện lên rừng" nên phản xạ nghề nghiệp, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cây cột điện cao thế đứng lừng lững trên đỉnh núi, với những đường dây nhỏ như sợi chỉ chui hút vào mầu xanh bạt ngàn, rồi phía xa kia lại là một cây cột tương tự đang lẩn vào trong mây. Sự ngạo nghễ giữa đất trời của những cây cột điện ấy, trên mảnh đất có địa danh là Cổng Trời này, đã khiến trong tôi trỗi dậy sự khâm phục những giọt mồ hôi đã tạo nên nó. Phải biết bao công sức, biết bao tiền bạc và lòng quả cảm mới có thể hình thành được những công trình dễ tạc vào tâm cảm con người như vậy. Tôi linh cảm chuyến đi này sẽ có nhiều khám phá về một lĩnh vực mà từ trước đến nay mình tiếp xúc nhiều với nó nhưng chẳng mấy hiểu về nó.

Chúng tôi quyết định chưa vào Công ty Điện lực Lai Châu vội mà ngược lên huyện Phong Thổ, nằm sát biên giới Trung Quốc. Giám đốc Điện lực Phong Thổ còn khá trẻ, sinh năm 1976, tên là Phạm Chiến Thắng. Anh cho biết đến nay, cả 18/18 xã của huyện đã có điện, 11.978 hộ trên 14.112 hộ đã dùng điện lưới quốc gia, đưa tổng số hộ có điện từ 40% lên 85%. Con số này sẽ lên 92,2% vào năm 2015. Nếu được biết rằng, từ huyện lỵ Phong Thổ đến xã xa nhất là ngót 100km thì mới thấy những con số ấy có ý nghĩa như thế nào.

Tôi ngỏ ý với Thắng rằng, anh em chúng tôi muốn đến một bản mới được cấp điện để chia sẻ với niềm vui của bà con. Thắng gợi ý: "Thế thì các anh có thể đến xã Ma Ly Pho giáp biên giới Việt - Trung, nhân thể ra tham quan cửa khẩu Ma Lù Thàng, mà chỉ cách đây có mấy chục cây số".

Theo các anh ở đây, muốn lên bản là phải xe gầm cao, máy khỏe và hệ thống an toàn phải tốt. Đi với chúng tôi có hai thợ điện trẻ là Nguyễn Văn Sỹ và Phạm Văn Đạt. Hai anh lỉnh kỉnh mang luôn theo đồ nghề để nếu chẳng may có sự cố gì là có thể "chiến đấu luôn". Nơi đến sẽ là bản Sòn Thầu 2, có 34 hộ bà con dân tộc Dao, nằm tít trên núi cao.

Rời con đường nhựa hướng ra cửa khẩu, xe bắt đầu bám theo con đường đất chỉ vừa hai bánh xe chạy ngược lên dốc, vừa đi vừa ấn còi bởi đường gấp khúc liên tục. Nguyễn Văn Sỹ rủ rỉ: "Các chú lên mùa này còn đi xe được, chứ vào mùa mưa, chỉ có đi bộ. Mỗi lần chúng cháu đi thu tiền điện rất vất vả. Có hộ chỉ năm, mười nghìn tiền điện một tháng, tiền điện thu được nhiều nơi không đủ trả lương nhân viên. Nhưng đấy là nhiệm vụ mà chú". Nhà văn Đặng Ái lẩm bẩm: "Thế mà gọi là kinh doanh được à?". Hỏi là hỏi để đấy thôi chứ ai chẳng biết câu trả lời là thế nào rồi.

Rồi một bản với vài chục nóc nhà hiện ra giữa rừng núi lô nhô. Nhà của bà con người Dao khác với người Thái, không ở nhà sàn mà nằm sát đất, mái thấp. Chúng tôi vào luôn ngôi nhà đầu tiên, thật may đó là nhà của Bí thư bản, có tên là Sàn Chỉn Lùng. Trong nhà, điện sáng trưng với nhiều đồ điện gia dụng như tivi, loa, nồi cơm điện... Ở gian bếp đang rực lửa một nồi rượu nấu dở, thơm lựng. Bản vừa được đóng điện vào lưới quốc gia được hơn một tháng, dường như nụ cười vui hôm ấy vẫn còn vương vấn đến ngày hôm nay.

Qua câu chuyện, tôi mới thấy niềm hạnh phúc của bà con ở đây khi có lưới điện quốc gia về như thế nào. Tít dưới chân núi kia là một khe suối, đấy là nguồn năng lượng điện lâu nay của mấy chục hộ bà con ở đây. Máy phát điện của mỗi hộ thì ngót hai triệu một cái, mà chỉ dùng được khoảng một năm. Nước suối thì lúc nhiều lúc ít, theo vậy điện cũng phập phù lúc tỏ lúc mờ, chỉ dùng để thắp sáng, chứ tivi là chịu chết. Lại còn chuyện hỏng hóc, trông coi cái "nhà máy điện" ấy mới nhiêu khê. Lũ về bất chợt là đi tong cả "nhà máy". Trâu, bò, lợn... có thể bê cả "nhà máy" đi vài chục mét mà không cần sự cố gắng nào.

Nay mọi việc đã đảo lộn. Theo dự án đầu tư, điện đã về đến tận nhà dân. Không chỉ như quy định của Luật Điện lực là ngành điện sẽ đưa điện đến tận công tơ, mà ở đây, điện "đến tận tay người dân", có nghĩa là mỗi hộ dân sẽ được tài trợ một bảng điện, gồm ổ cắm, công tắc và hai bóng điện 15W, loại bóng tiết kiệm điện. Theo Bí thư bản Sàn Chỉn Lùng, tháng đầu tiên vừa rồi, nhà ông "tốn có hơn 50 nghìn tiền điện, tính ra cả năm hơn 600 nghìn, rẻ lắm! Lại xem tivi ổn định, rồi nấu cả cơm bằng nồi cơm điện nữa".

Thấy có khách lên bản, mấy người hàng xóm cũng sang chơi, trong đó có cả công an bản Lý Trịnh Cồ. Chuyện trò rôm rả, vui như Tết đến sớm. Chủ nhà mang chai rượi nóng hổi vừa cất xong ra mời mọi người. Cầm ly rượu nóng hổi cùng tấm lòng ấm áp vốn có của bà con vùng cao mà cái rét dường như biến mất…

Chuyện về một chuyến đi còn nhiều không thể kể hết trong một bài viết. Trong 40 năm làm báo, tôi may mắn được đi hầu hết tất cả các tỉnh trong cả nước, vậy mà còn 2 tỉnh chưa một lần đặt chân tới, trong đó có Lai Châu. Và cũng bấy nhiêu năm, tôi cũng chưa lần nào tiếp cận sâu về ngành điện như lần này. Đó cũng là một niềm hạnh phúc lớn đối với tôi sau chuyến đi này.

Nguyễn Hoàng Linh