Trống Đồng Đông Sơn
|
Trên nền tảng vật chất có bước phát triển vượt trội bởi được tạo ra nhờ hệ công cụ, vũ khí, đồ gia dụng, nhạc khí, đồ trang sức... ưu việt, các bộ lạc đã có thể sát cánh bên nhau làm nên bước ngoặt về tổ chức xã hội. Đó là kiến tạo nên một quốc gia – nước Văn Lang, với bộ máy nhà nước đứng đầu là các Vua Hùng, với một lãnh thổ riêng, một nền văn hóa và lối sống riêng Việt cổ.
Thời đại Hùng Vương được quan niệm là một thời kỳ văn minh tiến triển trong hơn một thiên niên kỷ để ra đời nhà nước, đã làm nên nhiều kỳ tích về văn minh vật chất và văn hóa.
Thời đại Hùng Vương đã đạt tới đỉnh cao nhất của công nghệ luyện đồng. Chế phẩm “đỉnh” là Trống đồng (loại I Hêgơ) được coi là vượt trội so với trống đồng cả ở lưu vực sông Dương Tử, nơi đúc đồng nổi tiếng ở Trung Quốc, lẫn khu vực Đông-Nam Á cùng thời. Thương lái Tây Vực ( tây bắc Trung Quốc) thời ấy lặn lội tìm đến, đổi một chiếc trống bằng chín con trâu. Tỷ lệ các thành phần hợp kim đồng thau tạo tiếng trống đồng âm lượng lớn và âm sắc đẹp, trong trẻo, vang xa, tới nay vẫn còn là bí ẩn với các nghệ nhân đúc đồng lão luyện. Nghệ thuật trang trí trên trống thì đạt đến độ gần như tuyệt mỹ.
Một thành tựu phi thường khác, là công cuộc di dân từ miền núi, trung du đi khai phá, chiếm lĩnh, mở mang bờ cõi, tạo lập đời sống thâm canh lúa nước trên cả một dải mênh mông phù sa lắng tụ thành sình lầy mà về sau là xóm làng trù phú đồng bằng và ven biển từ miền bắc cho tới ít ra là tới dãy Hoành Sơn.
Kỳ tích nổi bật nhất là đã kết lắng được những phẩm chất riêng ưu việt, làm nên bản sắc căn cốt của bản tính con người và đặc trưng căn bản văn hóa - lối sống của cộng đồng Việt cổ. Bản sắc ấy những nghìn năm sau cho đến tận bây giờ, vẫn trường tồn như là thứ quốc bảo phi vật thể bất biến được truyền đời gìn giữ, để ứng phó thành công trước mọi tai họa thiên nhiên và hiểm họa ngoại xâm. Đó là tình yêu máu thịt đối với quê hương, đất nước; nghĩa đồng bào cố kết và đùm bọc lẫn nhau; tâm thái lạc quan, vui vẻ, hay cười và nhạy cảm nên cũng mau nước mắt; lòng hiếu khách, thân thiện, hòa giải và khoan dung; óc sáng tạo không mệt mỏi; và đặc biệt là khả năng thích ứng vô cùng bền dẻo để sinh tồn và vượt lên cả trong những cảnh ngộ bi đát nhất với mỗi đời người hay với toàn dân tộc.
Nhà nước thời Hùng Vương không nảy sinh từ nhu cầu của các nhóm thủ lĩnh giàu có tại các bộ lạc, hoặc là một bộ lạc mạnh nhất thôn tính được các bộ lạc khác, cần đến một công cụ quyền lực để thống trị đông đảo cư dân, biến họ thành công cụ lao động sống và hàng hóa cơ bắp, như nhà nước ở không ít nơi trên thế giới. Nhà nước Văn Lang ra đời như một tất yếu sinh tồn của các bộ lạc cần liên kết lại để mạnh hơn lên mà chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt và bảo vệ mình trước nguy cơ bị thôn tính từ các bộ lạc bên ngoài. Người mạnh mẽ, tài giỏi, khôn ngoan nhất được suy tôn làm thủ lĩnh của liên minh bộ lạc. Không thể biết người Việt cổ xưng tụng thủ lĩnh ấy là gì. Chỉ biết sách cổ Hậu Hán thư gọi là Hùng Vương. Vậy là ngay từ đầu, nhà nước trên xứ sở chúng ta đã là thứ quyền lực công để bảo vệ lãnh thổ sinh tồn và phục vụ lợi ích của cả cộng đồng.
Các Vua Hùng để lại bóng dáng trong các truyền thuyết như bậc thầy, thường đến các làng xã chan hòa với dân làng, dạy dân làm ăn, đấu vật. Người được xem là Anh hùng văn hóa. Các mỵ nương, quan lang dạy dân nuôi tằm, dệt lụa, săn thú, gieo trồng cây trái. Họ là những tấm gương tiêu biểu về sáng tạo văn hóa. Nhà nước Văn Lang đáng được ngưỡng mộ như kiểu loại Nhà nước kiến tạo đích thực, theo cách nói ngày nay.
Sức sống mạnh mẽ, trường tồn không thể khuất phục, không thể đồng hóa của dòng giống Lạc Hồng từng kiến tạo ra và được nuôi dưỡng bởi các tố chất ưu việt của thời đại dựng nước, đã có thể quật khởi giành lại chủ quyền độc lập và tự chủ, sau cả nghìn năm chống ách nô dịch và đồng hóa cưỡng bức về văn hóa. Bản sắc nhân văn của thể chế chính trị thời dựng nước thì được các triều đại độc lập Khúc, Đinh, Lê, Lý, Trần kế thừa, mà hạt nhân là coi dân là gốc nước, mà làm nên những võ công huy hoàng và thành tựu rực rỡ Đại Việt.
Kỷ nguyên phát triển trong độc lập, tự do của đất nước ta ở thời hiện đại được mở ra sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Nhà nước dân chủ, cộng hòa được thiết lập theo tinh thần bộ máy quyền lực công, để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. “Mọi quyền lực thuộc về nhân dân”. Dân là chủ. Cán bộ trên mọi cương vị quyền lực được dân giao phó, là công bộc của dân, phải cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nhà nước ấy đã có thể huy động được tối đa sức mạnh cố kết toàn dân tộc làm nên các kỳ tích hai lần liên tiếp “đánh thắng hai đế quốc to”, giành lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Đất nước bước vào chặng đường phát triển mới. Đà trượt suy thoái của bộ máy quyền lực nhà nước vốn không tự có mà do dân tin cậy mà giao phó, tất yếu phải được phanh hãm, phải ngăn chặn, phải giải phẫu cắt bỏ u bướu, phải tăng sinh lực cho các tế bào lành mạnh và kích hoạt nảy sinh tế bào mới giàu sức sống. Xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân để mở đường cho sức sáng tạo vô cùng tận của toàn dân và khai thác hiệu quả hợp tác quốc tế đa dạng, để hưng thịnh quốc gia, cải thiện đời sống nhân dân, làm lành mạnh xã hội, văn hóa... là sự lựa chọn tất yếu.