Năng lượng tái tạo

Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam tầm nhìn đến năm 2050

Thứ năm, 3/7/2025 | 08:00 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 30/6/2025 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực để bảo đảm cung cấp đủ điện, ổn định, chất lượng ngày càng cao với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Sử dụng đa dạng, hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước và kết hợp nhập khẩu và xuất khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện, trong đó ưu tiên sử dụng nguồn khí từ các mỏ dầu/khí trong nước. Đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo cho sản xuất điện kết hợp với các hệ thống lưu trữ năng lượng, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, phát triển điện hạt nhân ở quy mô hợp lý nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ nhiên liệu nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Hình thành và phát triển hệ thống điện thông minh, có khả năng tích hợp với nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo tỷ lệ cao; nâng cấp và xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối hiện đại, tự động hóa cao.

Xây dựng cơ chế phát triển ngành điện đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phù hợp với phát triển khoa học công nghệ của thế giới.

Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển để làm chủ công nghệ, thiết bị ngành điện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các công trình điện.

Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, chiến lược đề ra các mục tiêu cụ thể. Về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia: cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050:

Điện thương phẩm: năm 2030 đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh; định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 - 1.375,1 tỷ kWh.

Điện sản xuất và nhập khẩu: năm 2030 đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1360,1 - 1.511,1 tỷ kWh.

Công suất cực đại: năm 2030 khoảng 89,6 - 99,9 GW; năm 2050 đạt khoảng 205,7 - 228,6 GW.

Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng, nguồn điện hạt nhân. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc Top 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc Top 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Về chuyển đổi năng lượng công bằng: phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 28 - 36% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 74 - 75%.

Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 197 - 199 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo: dự kiến đến 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.

Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW, có thể cao hơn tùy theo nhu cầu của bên nhập khẩu trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.

Về nhập khẩu điện từ các nước láng giềng: tăng cường nhập khẩu điện từ Lào với quy mô tối đa đến năm 2030 theo hiệp định giữa hai Chính phủ; tăng cường nhập khẩu từ Trung Quốc với quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện đấu nối. Quy mô nhập khẩu được tính toán cụ thể trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Trong từng giai đoạn cần tính toán quy mô nhập khẩu và giải pháp liên kết lưới điện để bảo đảm vận hành an toàn của hệ thống điện và an ninh năng lượng.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, chiến lược nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện: về pháp luật, chính sách; về đảm bảo an ninh cung cấp điện; về tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện; về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; về khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng thông tin; về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; về phát triển nguồn nhân lực; về hợp tác quốc tế; về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch; về tăng cường năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị ngành điện, xây dựng phát triển ngành cơ khí điện; về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hoạt động điện lực; về giá điện, bảo đảm vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Cẩm Hạnh