Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành VHTT là nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đồng thời góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 04-NQ/TU của tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển đổi số hướng đến phát huy giá trị văn hóa và du lịch
Kế hoạch nêu rõ, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu ngành VHTT hướng đến hoàn thiện chính quyền điện tử và xây dựng chính quyền số với một số chỉ tiêu như: 85% doanh nghiệp hoạt động quảng cáo sử dụng hệ thống quảng cáo điện tử; quản lý tích hợp, liên thông quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 95% quy trình xử lý dịch vụ hành chính bằng quy trình số; triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành VHTT bảo đảm thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh…
Bên cạnh đó, chuyển đổi số ngành VHTT hướng đến xây dựng xã hội số với các chỉ tiêu: 100% cán bộ công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị thông minh cài và sử dụng dịch vụ đô thị thông minh (Hue-S); 100% các hoạt động thông tin, sự kiện của ngành được thông báo, tuyên truyền qua trang thông tin điện tử của Sở và các đơn vị; bảo đảm đường truyền mạng di động tốc độ cao (5G) tại điểm di tích, bảo tàng, thư viện, cơ sở thể thao, các trung tâm thi đấu thể thao, sân vận động.
Định hướng đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hoàn chỉnh nền tảng số, hệ sinh thái công nghệ, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số toàn ngành VHTT.
Trong đó, phấn đấu duy trì và đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của ngành và cung cấp trên các phương tiện, thiết bị di động; 100% di tích, bảo tàng, điểm văn hóa cung cấp dịch vụ thực tế ảo; ứng dụng công nghệ số 3D, 4D để giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa; 95% các dịch vụ thanh toán trực tuyến qua nền tảng số tại các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa; triển khai các ứng dụng thuyết minh tự động trên thiết bị thông minh bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác.
100% tài liệu cổ, quý hiếm về lịch sử, văn hóa, khoa học có trong thư viện tổng hợp tỉnh được số hóa và quản lý trên phần mềm thư viện số; ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ tập luyện, 100% các giải thi đấu thể thao thành tích cao được ứng dụng các công nghệ ảo, công nghệ VAR…