Văn hóa, du lịch

Ngành du lịch toàn cầu hướng đến phục hồi bền vững

Thứ năm, 28/10/2021 | 17:57 GMT+7
Hội nghị cấp cao về Tương lai của du lịch thế giới diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha) mới đây đã chỉ dẫn lộ trình khởi động lại ngành du lịch thông qua đẩy mạnh du lịch bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Diễn đàn cấp cao nhằm thúc đẩy một cuộc thảo luận toàn cầu về tầm quan trọng của du lịch trong việc góp phần làm cho hành tinh trở nên thịnh vượng một cách bền vững và toàn diện.

Tại hội nghị, đại diện ngành du lịch thế giới đã đưa ra "Kêu gọi Hành động Barcelona" (Barcelona Call for Action). Lời kêu gọi gồm các cam kết tích hợp du lịch vào các kế hoạch hành động cấp quốc gia và địa phương, trong đó ưu tiên ứng phó với tình trạng khẩn cấp về kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp đồng thời duy trì và tạo việc làm. Tuyên bố này cũng nhấn mạnh sự cần thiết về đảm bảo khởi động lại ngành du lịch và tăng trưởng trong tương lai phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Các đại diện ngành du lịch thế giới trao đổi về khởi động lại ngành du lịch và tăng trưởng trong tương lai

"Kêu gọi Hành động Barcelona" cũng bao gồm nhiều nội dung liên quan tới chuyển đổi số với cam kết nổi bật như: "Khuyến khích số hóa du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông và thực hiện các kế hoạch điểm đến thông minh để tạo ra giá trị và nâng cao tính bền vững" hay "Khai phá tiềm năng du lịch bằng cách tạo điều kiện cho cả khu vực nhà nước và tư nhân, bao gồm tài trợ cho việc hỗ trợ quản trị và áp dụng các mô hình kinh doanh mới trong số hóa và tăng trưởng xanh".

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili nhấn mạnh, "Kêu gọi hành động Barcelona" thể hiện sự sẵn sàng của ngành du lịch trong việc dẫn đầu, đối mặt và vượt qua những thách thức để xây dựng ngành du lịch tốt hơn cho tất cả mọi người.

Tại phiên thảo luận cấp cao của hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, để giảm thiểu các tác động tiêu cực, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ cho ngành du lịch, bao gồm hỗ trợ về tài chính và xã hội cho lao động du lịch.

Tổng cục trưởng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã đồng ý kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại du lịch quốc tế vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ từng bước cân bằng cung - cầu của thị trường nhân lực du lịch cũng như tiếp tục tập trung vào nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển ngành du lịch thời gian tới, ông Nguyễn Trùng Khánh cũng cho rằng, số hóa sẽ là xu hướng tiếp diễn trong tương lai khi nhu cầu về du lịch số ngày càng gia tăng sau đại dịch Covid-19.

Trước bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) sắp diễn ra, các cuộc thảo luận tại diễn đàn đã thể hiện rõ quyết tâm của ngành du lịch trong việc đón nhận sự đổi mới và đảm bảo nguồn kinh phí cần thiết góp phần trong trách nhiệm hành động vì khí hậu chung.

Khả Như (T/H)