Nông nghiệp sạch

Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai, 14/11/2022 | 11:12 GMT+7
Mới đây, Tổ Điều hành kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức diễn đàn trực tuyến Kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022.

Theo báo cáo tại diễn đàn, qua 4 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, số lượng sản phẩm OCOP của mỗi tỉnh không ngừng tăng lên; hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại cũng trở nên đa dạng và không ngừng được đẩy mạnh. Tiềm năng, dư địa để phát triển các sản phẩm OCOP còn rất lớn.

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Lập, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh đã xây dựng được 187 mã số vùng trồng cho hơn 17.000ha trên tất cả các loại cây trồng; công nhận được 148 sản phẩm OCOP (90 sản phẩm đạt 4 sao, 58 sản phẩm đạt 3 sao).

Từ nay tới cuối năm, tỉnh Tiền Giang dự kiến sẽ công nhận thêm 30 sản phẩm OCOP và dự kiến đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ công nhận được 200 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm OCOP 5 sao.

Ở tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Bá Thuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, hiện tỉnh có 77 sản phẩm OCOP của 44 chủ thể. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 74 sản phẩm 3 sao, hầu hết đều thuộc nhóm thực phẩm và được xúc tiến phân phối tại các hệ thống siêu thị, đại lý trên cả nước cũng như các sàn thương mại điện tử.

Là tỉnh xếp thứ 4/13 tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL, Cà Mau sẽ xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP để tiếp cận thị trường quốc tế; đồng thời tăng cường công tác dự báo thị trường, thúc đẩy tư duy sản xuất kinh tế nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả việc kết nối tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, tăng cường xúc tiến nông sản trên nền tảng số.

Kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP các tỉnh ĐBSCL

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, sau 4 năm triển khai chương trình OCOP, tỉnh Đồng Tháp đã có 269 sản phẩm OCOP, trong đó có 61 sản phẩm OCOP 4 sao, 208 sản phẩm đạt 3 sao. Tỉnh rất quan tâm tới hoạt động thương mại hóa các sản phẩm OCOP, giúp các chủ thể liên kết với thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm sản phẩm OCOP được bán trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đánh giá, từ số liệu thống kê của các địa phương có thể thấy chương trình OCOP đã đạt được những kết quả rất khả quan. Việc tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng ngày càng phong phú, đa dạng.

Thời gian tới, cần có nhiều hình thức để giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương như phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Lưu ý, các chủ thể OCOP cần sáng tạo hơn về sản phẩm; cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tích cực hơn; xây dựng kế hoạch đồng bộ, chi tiết, nắm bắt thông tin các sản phẩm tương đồng để xây dựng chiến lược riêng, tránh trùng lặp.

Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm OCOP nhiều thì tính riêng biệt cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Việc thành lập trung tâm trưng bày sản phẩm OCOP tại các địa phương cần được hoàn thiện, tính toán bài bản; cần có thêm các thông tin chi tiết cho danh sách các sản phẩm OCOP quốc gia.

Mặt khác, cần kêu gọi các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ cùng hợp tác để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm, gia tăng thu nhập cho người dân.

Gia Linh