Nông nghiệp sạch

Đẩy mạnh phát triển ngành quế bền vững

Thứ hai, 7/11/2022 | 16:36 GMT+7
Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức hội thảo Phát triển quế Việt Nam bền vững.

Hội thảo được tổ chức nhằm cập nhật hiện trạng và thách thức của ngành quế, chia sẻ các hoạt động, sáng kiến từ các bên liên quan và thảo luận, xác định những giải pháp để phát triển quế một cách bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tổng diện tích quế cả nước đạt khoảng 170.000ha, trong đó quế được trồng tập trung ở các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam. Trữ lượng vỏ quế hàng năm ước khoảng 900.000 – 1.200.000 tấn. Sản lượng thu hoạch quế bình quân từ 70.000 – 80.000 tấn/năm.

Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng. Cụ thể, năm 2020 đạt 245,4 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD, dự kiến năm 2022 sẽ có giá trị xuất khẩu đạt khoảng 276 triệu USD. Thị trường chủ yếu của quế Việt Nam là Ấn Độ và Mỹ, với giá trị xuất khẩu lần lượt là 90,7 triệu USD và 54,2 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Văn Diện, cây quế vẫn còn nhiều dư địa bởi nhu cầu từ các thị trường chất lượng cao như Mỹ, châu Âu không ngừng tăng lên. Ngược lại, quế cũng gặp một số thách thức, như chưa có chiến lược phát triển bền vững cấp quốc gia; người trồng, chế biến và xuất khẩu quế chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch nên phát triển kém bền vững. Bên cạnh đó, năng lực chế biến từ phía hợp tác xã, doanh nghiệp chưa cao; công nghệ và vốn đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chưa thực sự được quan tâm.

Hội thảo Phát triển quế Việt Nam bền vững

Tại hội thảo, ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc IDH Việt Nam chia sẻ, hiện ngành hàng quế hồi thiếu những tổ chức liên chính phủ để điều phối sản xuất, thương mại. Điều này làm giảm giá trị của cây quế Việt Nam, vốn được đánh giá là quốc gia sản xuất quế lớn thứ ba thế giới.

Ở các tỉnh trồng quế chính hiện nay, đa số mới chú trọng việc mở rộng diện tích, thay vì chú trọng đầu tư vào chất lượng, chế biến, mở rộng thị trường. Trong 170.000ha trồng quế cả nước, một số lượng nhỏ mới được công nhận hữu cơ. Sản phẩm vẫn tập trung xuất thô.

Việt Nam có hơn 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị, bao gồm cả quế hồi. Tuy nhiên, các công ty chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực thương mại, ít quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết với người nông dân trồng nguyên liệu.

Với đặc thù của ngành quế, các đơn vị chủ yếu hoạt động theo mô hình gia đình, sản xuất nhỏ; nguồn lực tài chính cũng như khoa học công nghệ hạn chế. Do đó, dù được đánh giá là cây có giá trị kinh tế cao, quế tại Việt Nam chỉ dừng ở mức 40 triệu đồng/ha/năm về giá trị sản xuất.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, vai trò của hiệp hội là rất cần thiết đối với ngành quế, bởi hiệp hội là cánh tay nối dài để hỗ trợ tư vấn về chính sách, thị trường, đồng thời là mắt xích gắn kết giữa các tổ chức nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài. Từ đó, đảm bảo lợi ích cho ngành hàng mà không bị manh mún, nhỏ lẻ và cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Theo đó, hiện có hai phương án được đưa ra là thành lập Hiệp hội quế hoặc kết hợp quế vào Hiệp hội hồ tiêu.

Về tiến độ thực hiện một số công tác thúc đẩy ngành quế phát triển, các đại biểu đề xuất cần có quy hoạch vùng sản xuất, kế hoạch, định hướng phát triển cây quế, nhất là ở cấp Trung ương. Về xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị, nhiều doanh nghiệp nên tiếp tục triển khai liên kết chuỗi giá trị. Về vấn đề tìm hiểu khả năng phát triển tín chỉ carbon cho quế, hiện đã xây dựng được dự thảo và đã huy động được nguồn lực cho một số hoạt động phát triển ngành hàng quế…

Minh Khang