Nông nghiệp sạch

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp phát triển cây sâm Ngọc Linh

Thứ hai, 7/11/2022 | 17:07 GMT+7
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã làm việc với tỉnh Kon Tum về mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá rất cao sự nỗ lực của địa phương cũng như các đơn vị của Bộ khi đã phối hợp chặt chẽ để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu để phát triển thương hiệu sâm Việt Nam, đưa vào danh sách Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN có trách nhiệm nghiên cứu kỹ thuật trồng, kiểm định chất lượng sâm, làm sao để người dân được sớm tiếp cận với nguồn giống sâm Ngọc Linh; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia để kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng; tập trung triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Kon Tum phát triển sâm Ngọc Linh xứng đáng với vị trí là cây sâm quý của quốc gia.

Đoàn công tác của Bộ KH&CN làm việc với tỉnh Kon Tum về phát triển sâm Ngọc Linh

Định hướng, hỗ trợ các tổ chức, các nhà khoa học thực hiện một số đề tài nghiên cứu để chuẩn bị nền tảng công nghệ vững chắc nhằm phát triển nhanh chóng sản phẩm sâm Ngọc Linh xuyên suốt chuỗi giá trị của sản phẩm.

Cụ thể, nghiên cứu xây dựng bộ chỉ thị phân tử phục vụ giám định, khai thác và phát triển sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis); giải trình tự và phân tích hệ gene phiên mã (transcriptome) ở sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.); khai thác và phát triển nguồn gene sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.); nghiên cứu phát triển trồng sâm Ngọc Linh tại các khu vực có điều kiện sinh thái tương tự núi Ngọc Linh…

Mặt khác, với mong muốn phát triển nguồn gene giá trị, đặc hữu của Việt Nam thành sản phẩm thương mại hóa ở quy mô lớn, không chỉ trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế, Bộ KH&CN đã phối hợp cùng các Bộ ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch phát triển sâm Việt Nam trên nền tảng sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia.

Bộ cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, UBND hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ sâm Việt Nam trong Chương trình Sản phẩm quốc gia, giúp hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo ra vùng sâm Việt Nam tập trung, các nhà máy chế biến quy mô lớn và đặc biệt là phát huy được tối đa lợi thế tài nguyên nguồn gene đặc hữu này của Việt Nam.

Dự kiến đến năm 2025, diện tích có trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum khoảng 4.500ha (khoảng 45 triệu cây); đến năm 2030 là khoảng 10.000ha (100 triệu cây); đến năm 2045 là toàn bộ diện tích có khả năng trồng sâm Ngọc Linh trong vùng Chỉ dẫn địa lý.

Ngọc Mai (T/H)