Tiết kiệm điện năng

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp ngành dệt may

Thứ bảy, 26/4/2025 | 15:48 GMT+7
Ngày 25/4, trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” (VSUEE), chương trình đào tạo dành cho lãnh đạo các doanh nghiệp ngành dệt may diễn ra tại Hà Nội.

Dự án VSUEE do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank) với tổng kinh phí là 11,3 triệu USD. Bộ Công Thương – cơ quan chủ quản dự án là đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chung kết quả thực hiện dự án.

Mục tiêu của dự án là thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, đảm an ninh năng lượng và thực hiện triển khai các nhiệm vụ, muc tiêu giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Là chương trình đào tạo thứ ba dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp công nghiệp, chương trình đào tạo lần này tập trung vào ngành dệt may – lĩnh vực có tiềm năng lớn trong việc cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng nhờ quy mô sản xuất lớn và hệ thống thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng.

Chương trình đào tạo về tiết kiệm năng lượng dành cho lãnh đạo các doanh nghiệp ngành dệt may

Ông Mai Văn Huyên, Giám đốc Trung tâm Phát triển xanh giới thiệu chương trình đào tạo, nhấn mạnh vai trò then chốt của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc định hướng các chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả, từ đó giúp doanh nghiệp vừa tiết giảm chi phí vận hành vừa gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới với kim ngạch đạt trên 40 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, đi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ là áp lực về chi phí sản xuất, yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế và thách thức về môi trường. Trong đó, năng lượng là một trong những yếu tố then chốt bởi ngành dệt may hiện đang tiêu thụ khoảng 8% tổng năng lượng công nghiệp quốc gia và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm với nhiều nhà máy vẫn sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp. Với tiềm năng tiết kiệm khoảng 20% năng lượng tiêu thụ, các doanh nghiệp cần chủ động thực thi những giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí đầu vào và gia tăng các lợi thế cạnh tranh.

Chương trình đào tạo “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho các lãnh đạo doanh nghiệp ngành dệt may” đã truyền tải kiến thức chuyên sâu về ứng dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng như nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các doanh nghiệp ngành dệt may về tiết kiệm năng lượng không chỉ là một lựa chọn để giảm giá thành sản phẩm, tối ưu hóa chi phí sản xuất mà trong trong thời kỳ “chuyển đổi xanh” của thương mại toàn cầu, việc sản xuất tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp còn là điều kiện tiên quyết để giữ vững thị trường xuất khẩu, đặc biệt vào các nước EU, Mỹ, Nhật Bản – những nơi đã bắt đầu áp dụng cơ chế thuế carbon và yêu cầu truy xuất nguồn gốc phát thải.

Quang cảnh lớp học

Nội dung chương trình đào tạo bao gồm: tăng cường năng lực về nhận diện và phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng; kiểm toán năng lượng và phân tích tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng; giới thiệu và ứng dụng hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định; chiến lược marketing và kinh doanh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những nội dung chuyên biệt cho ngành dệt may cũng được truyền tải đến với các học viên tham gia chương trình đào tạo như: thực trạng sử dụng năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành dệt may tại Việt Nam và những điển hình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho ngành công nghiệp sản xuất dệt may.

Khóa đào tạo quy tụ những giảng viên giàu kinh nghiệm đến từ các trường đại học kỹ thuật, các chuyên gia năng lượng thuộc Bộ Công Thương và các chuyên gia tiết kiệm năng lượng thuộc dự án trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, chương trình đào tạo sẽ tiếp tục được triển khai cho 5 nhóm ngành nghề còn lại như: giấy – bột giấy, gạch – gốm sứ, sắt thép, xi măng và nhựa với giáo trình được thiết kế riêng biệt nhằm đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả.

Nhã Quyên