Tiết kiệm điện năng

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp ngành nhựa

Thứ ba, 22/7/2025 | 17:24 GMT+7
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch theo hướng sản xuất carbon thấp và tuần hoàn, việc tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng không chỉ giúp giảm chi phí mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp ngành nhựa tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, nơi đang áp dụng cơ chế thuế carbon và yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất phát thải.

Trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” (VSUEE), ngày 21/7, khóa đào tạo “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho cán bộ quản lý năng lượng doanh nghiệp ngành nhựa” diễn ra tại TPHCM.

Khóa đào tạo “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp ngành nhựa” kéo dài 4 ngày, từ ngày 21 – 24/7, là một hoạt động trong khuôn khổ dự án VSUEE do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB).

Đây là khóa đào tạo chuyên sâu đầu tiên dành riêng cho đội ngũ cán bộ quản lý năng lượng ngành nhựa. Ngành nhựa là một lĩnh vực sản xuất có tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp nhưng lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức về hiệu quả sử dụng năng lượng và phát thải.

Theo thống kê, ngành nhựa là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng lớn với lượng tiêu thụ điện năng vào khoảng 7,6 tỷ kWh/năm và chiếm 18 – 22% doanh thu chi cho năng lượng. Mức tiêu thụ này xấp xỉ bằng hoặc thấp hơn so với các ngành công nghiệp nặng như giấy (20 – 30%) và cao hơn so với ngành dệt may (khoảng 8%).

Khóa đào tạo “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp ngành nhựa”

Tuy nhiên, hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành nhựa đang đối mặt với những khó khăn trong việc cắt giảm chi phí năng lượng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sử dụng các công nghệ lạc hậu trong dây chuyền sản xuất như: sử dụng máy đúc thủy lực cũ, hệ thống sưởi ấm lỗi thời, hệ thống làm mát/máy làm lạnh không hiệu quả, máy đùn thủ công có mức độ tự động hóa thấp, không tích hợp thu hồi hoặc tái chế chất thải... Bên cạnh đó, việc thiếu các nguồn vốn đầu tư vào những công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng cũng như nhận thức về việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quy trình sản xuất cũng là những rào cản cản trở quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp trong ngành.

Ngành nhựa có tiềm năng tiết kiệm năng lượng đáng kể thông qua những giải pháp kiểm toán năng lượng, tối ưu vận hành thiết bị phụ trợ (máy nén khí, hệ thống làm lạnh, quạt hút…), kiểm soát tổn thất nhiệt và nâng cao trình độ kỹ thuật của người vận hành.

Khóa đào tạo đã cung cấp cho học viên là cán bộ quản lý năng lượng tại các nhà máy sản xuất nhựa những kiến thức thực tiễn và công cụ chuyên sâu nhằm nhận diện, triển khai hiệu quả những giải pháp tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, chương trình tập trung vào các nội dung: tăng cường năng lực phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng; kiểm toán năng lượng, phân tích tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng; giới thiệu và ứng dụng hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định; chiến lược marketing và chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Đặc biệt, khóa học đã đi sâu vào những giải pháp công nghệ chuyên biệt cho ngành nhựa như: tối ưu hóa hệ thống gia nhiệt; tận dụng nhiệt thải để tái sử dụng trong quá trình sản xuất; đầu tư vào máy móc, thiết bị mới tiết kiệm năng lượng; bảo trì định kỳ để duy trì hiệu suất hoạt động; tăng cường tự động hóa; ứng dụng cảm biến thông minh trong hệ thống quản lý năng lượng; ứng dụng công nghệ biến tần; tối ưu hóa hệ thống làm mát…

Khóa đào tạo quy tụ những giảng viên giàu kinh nghiệm đến từ các trường đại học kỹ thuật và những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, cùng với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp lớn trong ngành. Thảo luận nhóm, chia sẻ thực tế và phân tích bài học thành công giúp học viên hiểu rõ hơn cách áp dụng kiến thức vào thực tiễn tại nhà máy của mình.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch theo hướng sản xuất carbon thấp và tuần hoàn, việc tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng không chỉ giúp giảm chi phí mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp ngành nhựa tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, nơi đang áp dụng cơ chế thuế carbon và yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất phát thải.

Khóa đào tạo này là bước đi quan trọng trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, đồng thời giúp ngành nhựa chuyển mình mạnh mẽ theo hướng xanh hóa và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong thời gian tới, dự án VSUEE sẽ tiếp tục triển khai các khóa đào tạo chuyên biệt cho cán bộ quản lý năng lượng của những ngành công nghiệp tiêu hao năng lượng lớn bao gồm: đồ uống, thủy sản; dệt may; giấy và bột giấy; gạch và gốm sứ; sắt thép; xi măng nhằm đảm bảo tính ứng dụng cao và lan tỏa mạnh mẽ tư duy tiết kiệm năng lượng trong toàn bộ ngành công nghiệp Việt Nam.

Nhã Quyên