Theo Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), ngày 8/7, tại Hà Nội, Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tổ chức cuộc họp với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG), Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cùng một số đối tác nhằm cập nhật tiến độ và thúc đẩy phối hợp giữa các bên trong thời gian tới trong việc triển khai thực hiện Tuyên bố JETP.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long – đại diện Cơ quan thường trực Ban Thư ký JETP chủ trì cuộc họp. Đại diện nhóm IPG – ông Thomas Wiersing, Phó Đại sứ Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo về hoạt động triển khai JETP từ khi Cơ quan thường trực Ban Thư ký chuyển về Bộ Công Thương; nỗ lực xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam; nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện các dự án JETP; nỗ lực thúc đẩy các bên đề xuất, lựa chọn dự án phù hợp các tiêu chí JETP để huy động nguồn lực thực hiện.

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: moit.gov.vn)
Các đại biểu cũng thảo luận về việc điều chỉnh quy trình rà soát, lựa chọn các dự án JETP đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho các bên, trong đó có sử dụng công cụ được lồng ghép vào trang thông tin điện tử JETP để đề xuất dự án.
Tại cuộc họp, Phó Đại sứ Đại biện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Thomas Wiersing và Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley thay mặt IPG thông báo, sau nỗ lực của tất cả các bên, đến nay đã có 3 dự án đầu tiên hoàn thành thỏa thuận huy động nguồn vốn hỗ trợ từ IPG để có thể đóng góp vào quá trình triển khai JETP gồm:
Thỏa thuận tín dụng trị giá 67 triệu Euro giữa Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cho dự án đường dây 500kV đoạn qua TPHCM (tỉnh Bình Dương cũ) và tỉnh Đồng Nai.
Thỏa thuận tín dụng trị giá 480 triệu Euro giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 6 tổ chức tài chính phát triển thuộc IPG gồm: Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), Tổ chức tài chính CDP (Italy) và Proparco xây dựng dự án Thủy điện tích năng Bắc Ái công suất lắp đặt là 1.200 MW tại tỉnh Khánh Hòa (tỉnh Ninh Thuận trước đây). Dự án cũng nhận được 10 triệu Euro hỗ trợ kỹ thuật từ EU.
Thỏa thuận về khoản vay 65 triệu Euro giữa EVN và Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) cho dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An công suất 200MW.
Đây là những kết quả ban đầu thúc đẩy huy động nguồn tài chính tư nhân trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ về dài hạn, với quy mô lớn cho các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Đối với 4 dự án còn lại trong số danh mục 7 dự án đã được xác định ban đầu là phù hợp JETP với nguồn lực từ IPG tiếp tục có tiến triển để đạt thỏa thuận tài chính. Đối với 25 dự án đề xuất mới nhận được, có 17 dự án được sơ bộ xác định phù hợp 4 nguyên tắc JETP với nguồn vốn cần huy động khoảng 5,52 tỷ USD. Tổng số dự án phù hợp JETP đã được xác định đến thời điểm hiện nay là 24 dự án với tổng nguồn vốn cần huy động là 7,04 tỷ USD. Các đối tác sẽ tiếp tục phối hợp với chủ dự án và các bên liên quan xem xét, thảo luận cụ thể đối với từng dự án mà các bên bày tỏ quan tâm để cung cấp tài chính triển khai thực hiện.

Thực hiện những mục tiêu về chuyển đổi năng lượng công bằng, tăng trưởng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Các thành viên IPG, GFANZ và các ngân hàng phát triển đa phương khẳng định tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện những mục tiêu về chuyển đổi năng lượng công bằng, tăng trưởng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với chuyển đổi là bao trùm và không bỏ ai ở lại phía sau.
Trong thời gian tới, IPG sẽ phối hợp với Cơ quan thường trực Ban Thư ký JETP và Cơ quan hỗ trợ Ban Thư ký JETP (SSA) tiếp tục xây dựng danh mục, sàng lọc dự án để đưa vào thực hiện trong khuôn khổ JETP, đặc biệt là những dự án thuộc Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 điều chỉnh đã được Bộ Công Thương ban hành ngày 30/5/2025.
Bên cạnh đó, các bên nhất trí rằng việc bổ sung tính năng đề xuất các dự án thông qua trang thông tin điện tử JETP là một bước tiến nữa trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường khả năng kết nối giữa các đối tác quốc tế, tổ chức tài chính với nhà đầu tư, nhà phát triển dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long ghi nhận nỗ lực và cảm ơn sự hợp tác hỗ trợ của tất cả các bên trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến trình thực hiện JETP và đã đạt được một số kết quả ban đầu đáng khích lệ. Thời gian tới, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện các quy định của Việt Nam, trong đó có những quy định về ODA để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.