Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam tầm nhìn đến năm 2050
Mục tiêu tổng quát của chiến lược là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực để bảo đảm cung cấp đủ điện, ổn định, chất lượng ngày càng cao với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Sử dụng đa dạng, hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước và kết hợp nhập khẩu và xuất khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện, trong đó ưu tiên sử dụng nguồn khí từ các mỏ dầu/khí trong nước. Đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo cho sản xuất điện kết hợp với các hệ thống lưu trữ năng lượng, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, phát triển điện hạt nhân ở quy mô hợp lý nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ nhiên liệu nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Hình thành và phát triển hệ thống điện thông minh, có khả năng tích hợp với nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo tỷ lệ cao; nâng cấp và xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối hiện đại, tự động hóa cao.

Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Xây dựng cơ chế phát triển ngành điện đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phù hợp với phát triển khoa học công nghệ của thế giới.
Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển để làm chủ công nghệ, thiết bị ngành điện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các công trình điện.
Chiến lược cũng nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện: về pháp luật, chính sách; về đảm bảo an ninh cung cấp điện; về tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện; về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; về khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng thông tin; về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; về phát triển nguồn nhân lực; về hợp tác quốc tế; về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch; về tăng cường năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị ngành điện, xây dựng phát triển ngành cơ khí điện; về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hoạt động điện lực; về giá điện, bảo đảm vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Việt Nam và Đức ký Tuyên bố chung về thiết lập Đối tác năng lượng
Theo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương), ngày 3/7, tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức (BMWK) Stefan Rouenhoff đã ký Tuyên bố chung thiết lập Đối tác năng lượng Việt Nam - Đức, với sự chứng kiến của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Tuyên bố chung là văn kiện quan trọng, chính thức nâng cấp quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước lên tầm Đối tác năng lượng (Energy Partnership), định hình khuôn khổ hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải hướng tới trung hòa carbon, tăng cường an ninh năng lượng và mở rộng hợp tác doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chứng kiến Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức (BMWK) Stefan Rouenhoff ký Tuyên bố chung thiết lập Đối tác năng lượng Việt Nam - Đức. (Ảnh: moit.gov.vn)
Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: hoàn thiện chính sách, phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, hydro xanh), số hóa ngành điện, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hiện đại hóa lưới điện và hỗ trợ khử carbon đối với các ngành khó giảm phát thải.
Cơ chế triển khai Đối tác năng lượng sẽ bao gồm việc tổ chức Ủy ban chỉ đạo cấp cao hàng năm, thành lập các nhóm công tác kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu và kết nối doanh nghiệp; qua đó, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.
Tập đoàn Nhật Bản đầu tư, phát triển điện sinh khối tại Việt Nam
Ngày 4/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tiếp và làm việc với ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Erex để trao đổi về các dự án phát triển điện sinh khối.
Erex là một trong những tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về điện sinh khối. Tập đoàn mong muốn được triển khai dự án phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy điện sinh khối và chuyển đổi các nhà máy điện than sang nhà máy điện sinh khối tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, Erex đã và đang triển khai xây dựng nhà máy điện sinh khối gồm: dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang (20 MW), dự án Nhà máy điện sinh khối Yên Bái (50 MW), dự án Nhà máy điện sinh khối Tuyên Quang (50 MW).
Trong buổi làm việc, ông Honna Hitoshi đã trình bày với Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng một số nội dung và đề xuất liên quan về khung giá điện sinh khối, điều chỉnh tỷ giá trong hợp đồng mua bán điện…

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tiếp ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Erex. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng hoan nghênh nỗ lực của Erex trong việc đưa công nghệ điện sinh khối vào Việt Nam, đặc biệt với các dự án nhà máy điện sinh khối tại Hậu Giang, Tuyên Quang, Yên Bái. Các dự án này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành năng lượng của Việt Nam, cũng như quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khung giá hiện nay đã được tính toán dựa trên nhiều yếu tố như khả năng cạnh tranh điện sinh khối với các nguồn năng lượng tái tạo khác, tác động giá bán điện, giá mua điện và dựa trên số liệu được thu thập từ những dự án điện sinh khối đã và đang triển khai trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt của các dự án, trong đó có các dự án của Erex.
Phó Thủ tướng khẳng định, cơ chế hỗ trợ phát điện sinh khối đã được tính toán hợp lý, trên cơ sở hài hòa với nguồn điện khác. Phó Thủ tướng đề nghị, sau khi các dự án Nhà máy điện sinh khối Yên Bái, Tuyên Quang được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Erex cung cấp các thông số của dự án gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để tổng hợp làm cơ sở đề xuất khung giá phát điện cho giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho biết, chính sách điều chỉnh tỷ giá trong hợp đồng mua bán điện hiện nay được áp dụng ở mức độ giới hạn và phải tuân theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Phó Thủ tướng đánh giá cao uy tín, tiềm lực tài chính của Erex và đề nghị Tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư, chuyển giao công nghệ đối với các dự án đồng đốt than - sinh khối, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng; phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam để triển khai hiệu quả hoạt động đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật và phù hợp với quy hoạch ngành.