Nông nghiệp sạch

Thực hư chất lượng Yến sào Sài Gòn

Thứ năm, 7/5/2020 | 16:23 GMT+7
Tự “thổi phồng” công dụng, quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng. Liệu các sản phẩm của công ty TNHH Yến sào Sài Gòn (số 77, đường 3/2, phường 11, quận 10) có đáp ứng được những công dụng đã đề ra?

Mới đây, một số sản phẩm của công ty TNHH Yến sào Sài Gòn được quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Hai sản phẩm yến chưng nhụy hoa nghệ tây (Saffron) và yến chưng nhân sâm được quảng cáo với công dụng ức chế tế bào ung thư, hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm, điều trị thần kinh suy nhược...

Cụ thể, trên website https://yensaosaigon.com, tổ yến chưng nhụy hoa nghệ tây được quảng cáo là sản phẩm kết hợp khéo léo giữa nhụy hoa nghệ tây – “thần dược” đến từ Trung Đông với tổ yến, giúp đem lại cho khách hàng những giá trị sức khỏe tốt nhất.

Đáng chú ý, sản phẩm này được quảng cáo với công dụng: Giảm mụn, làm sáng da; giảm các triệu chứng kinh nguyệt; hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm; giảm triệu chứng bệnh mất trí nhớ, giúp an thần; ức chế tế bào ung thư; cải thiện thị lực, hỗ trợ tim mạch và tiêu hóa.

Sản phẩm yến chưng nhụy hoa nghệ tây được quảng cáo với nhiều công dụng như thuốc chữa bệnh

Bên cạnh đó, sản phẩm Yến chưng nhân sâm được quảng cáo với công dụng: Tăng khả năng miễn dịch của cơ thể; hỗ trợ người bệnh huyết áp thấp; điều trị thần kinh suy nhược; bồi bổ cơ thể; hỗ trợ điều trị lao, ho…

Chị T, một khách hàng thường xuyên sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn liên quan tới tổ yến, khá bất ngờ và lo lắng khi thấy quảng cáo về công dụng của tổ yến trên.

Liên quan đến vấn đề này, căn cứ Khoản 4, Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 và điều 3 Nghị định 181/2013, nếu công ty Yến sào Sài Gòn cho rằng sản phẩm yến chưng nhụy hoa nghệ tây có chức năng chữa bệnh, cụ thể là ức chế tế bào ung thư thì đó phải là sản phẩm thuốc có chức năng chữa bệnh được sự cấp phép của Bộ Y tế, đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Quảng cáo về quảng cáo thuốc chữa bệnh mới được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hai sản phẩm trên chỉ là thực phẩm thông thường, không phải thuốc chữa bệnh, nên việc quảng cáo trên đã gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về chức năng, công dụng của sản phẩm.

Môt số sản phẩm của yến sào của công ty Yến sào Sài Gòn

Về chế tài xử phạt, căn cứ theo Khoản 5 điều 51 NĐ 58/2013 quy định, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng; và quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo.

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo; Buộc cải chính thông tin. Bên cạnh đó, theo Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 về Tội quảng cáo gian dối, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp đủ cấu thành tội phạm thì ngoài bị xử phạt hành chính còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước đó, ngày 20/3/2018, chị N (Hà Nội) đã phản ánh tới nhiều tờ báo về việc có đến cửa hàng Yến sào Sài Gòn tại đường Láng (Hà Nội) để mua 1 lạng yến sào với giá gần 7 triệu đồng. Nhưng khi đem về chế biến, chị N phát hiện sản phẩm nở như mủ cây trôm - một loại cây có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới, bề ngoài giống yến sào, nếu ăn nhiều có thể dẫn tới ngộ độc, tắc ruột, thậm chí tử vong.

Mặc dù các quy định của pháp luật về việc quảng cáo sai sự thật đã rất đầy đủ và rõ ràng, nhưng công ty TNHH Yến sào Sài Gòn vẫn quảng cáo “thổi phồng” cho các sản phẩm của mình. Như vậy, vấn đề chất lượng sản phẩm của công ty này liệu có thể được đảm bảo?
 

PV