Khoa học công nghệ

Tiềm năng công nghệ và chuyển đổi số tại Việt Nam

Thứ năm, 6/6/2024 | 10:00 GMT+7
Tại diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững” diễn ra ngày 5/6, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm công nghệ mới nổi, thu hút sự chú ý và đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia phát biểu tại chương trình

Những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện của các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với sự tham gia của các công ty quy mô khu vực, công ty công nghệ trong nước và các tập đoàn trong nước. Ông Thịnh nhấn mạnh, các công ty và tập đoàn trong nước ngày càng chủ động hơn trong thị trường M&A, tìm kiếm các thương vụ chiến lược để nâng cao năng lực công nghệ và mở rộng thị trường.

Chuyên gia kinh tế và hội nhập, TS Võ Trí Thành khẳng định, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp và là cơ hội chưa từng có cho nền kinh tế Việt Nam. Ông nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là tất yếu. Nếu Việt Nam không chớp lấy cơ hội này, sẽ không còn cơ hội khác. Để tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số cần phải "may đo" nhưng không "may sẵn".

Phiên tọa đàm của diễn đàn

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 25% GDP. Tuy nhiên, mục tiêu này rất thách thức khi ước tính ban đầu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, con số này chỉ đạt khoảng gần 13%, chủ yếu từ sản xuất phần cứng máy tính, công nghệ thông tin và thiết bị điện tử. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, TS Võ Trí Thành cho biết, về mặt quản trị Nhà nước và doanh nghiệp, có 4 yếu tố quan trọng: tốc độ, linh hoạt, thí điểm và học hỏi. Ông ví von mọi lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam, từ công nghiệp, dịch vụ đến nông nghiệp đều phải "ấn được số" vào hoạt động vận hành.

Cũng tại sự kiện do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, bà Trịnh Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp khẳng định những thành tựu đáng kể trong chuyển đổi số của Việt Nam, một xu thế tất yếu cho cả nền kinh tế và các doanh nghiệp. Bà cho rằng trở ngại cho chuyển đổi số không chỉ nằm ở quá trình hoàn thiện chính sách của Nhà nước mà còn ở quyết tâm và chiến lược của từng doanh nghiệp. Bà nhấn mạnh, doanh nghiệp cần chú trọng đến chuyển đổi kép, tức là chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh, để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới và mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường. 

Toàn cảnh diễn đàn

PV