Văn hóa, du lịch

Tiếp tục phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Hà Nội

Thứ năm, 25/5/2023 | 17:39 GMT+7
Ngày 25/5, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025.

Theo báo cáo tại hội nghị, 2 năm qua (2021, 2022), thành phố Hà Nội đã chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy. Trong đó đã kế thừa và phát huy hiệu quả tinh thần đổi mới, vận dụng sáng tạo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng từ các nhiệm kỳ.

Bên cạnh việc tiếp tục xác định một chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao đã quyết định ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình hướng đến việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới cho thành phố khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, với nền tảng là văn hóa và sáng tạo.

Sau thời gian triển khai, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học có chất lượng, sức lan tỏa cao như: hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội”; hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”…

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai kế hoạch, đề án, nghị quyết chuyên đề thực hiện Chương trình 06-CTr/TU đến nay vẫn còn 9 nội dung đang tiếp tục triển khai.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU Nguyễn Văn Phong đánh giá, sau 2 năm triển khai, chương trình đã tạo chuyển biến từ thành phố đến cơ sở trong phát triển văn hóa, nguồn nhân lực, con người Hà Nội. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương, xây dựng mô hình văn hóa sáng tạo, phát huy một cách hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển hoạt động dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển song song với việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bước đầu, thành phố huy động được các nguồn lực từ xã hội trong phát triển văn hóa, hợp tác quốc tế, công tác thể thao được nâng lên ở tầm cao mới.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian tới, Quốc hội sẽ cho phép sửa đổi Luật Thủ đô, mong rằng Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cơ quan soạn thảo nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hóa và cơ sở về văn hóa để trở thành công cụ pháp luật, huy động được các nguồn lực dưới góc độ vừa quản lý vừa kiến tạo sự phát triển cho lĩnh vực văn hóa, nhất là với một vị trí Thủ đô mang đậm dấu ấn văn hóa, có bề dày về lịch sử, truyền thống và di tích. Đây là những vấn đề cần phải tương thích những bộ luật khác như Luật Di sản văn hóa sẽ sửa đổi tới đây. Các Luật phải có sự kết nối, liên thông để xây dựng Luật Thủ đô thuận lợi hơn.

Ghi nhận chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU sẽ kiểm tra trong thời gian tới để thống nhất lại nhận thức và có quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện. Thành phố tiếp tục quan tâm đến vấn đề văn hóa cơ sở; tiếp tục quan tâm thực chất, hiệu quả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung cao độ cho việc tham mưu 3 lĩnh vực quan trọng gồm: xây dựng quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố; bổ sung, sửa đội Luật Thủ đô.

Ông Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị các Sở, ngành, quận, huyện, đơn vị rà soát, đánh giá lại việc thực hiện chương trình để có giải pháp cụ thể, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Huyền Dung