Năng lượng tái tạo

Trao đổi công nghệ nhằm thúc đẩy năng lượng sinh học tại Việt Nam

Thứ tư, 23/11/2022 | 09:06 GMT+7
Mới đây, diễn đàn trao đổi công nghệ “Giải pháp tối ưu và cơ hội hợp tác giữa các nước Nam bán cầu nhằm thúc đẩy năng lượng sinh học tại Việt Nam” đã diễn ra tại TPHCM.

Diễn đàn tập trung thúc đẩy kết nối giữa các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, các nhà phát triển dự án, đơn vị cung cấp nguyên liệu sinh khối và công nghệ, cũng như những công ty kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng sinh học. Đây là một trong những hoạt động trao đổi kỹ thuật và chia sẻ kiến thức cập nhật về công nghệ năng lượng sinh học, thảo luận cơ hội hợp tác và các rào cản trong thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và hợp tác giữa các nước Nam bán cầu trong lĩnh vực phát triển công nghệ năng lượng sinh học.  

Diễn đàn là một phần hoạt động của dự án Bảo vệ khí hậu thông qua thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM). Dự án BEM do GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp thực hiện, được Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ thông qua Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI). 

Diễn đàn “Giải pháp tối ưu và cơ hội hợp tác giữa các nước Nam bán cầu nhằm thúc đẩy năng lượng sinh học tại Việt Nam” 

Tại diễn đàn, đại diện Nhà máy Sanofi Việt Nam - Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững đã chia sẻ về mô hình thí điểm chuyển đổi lò hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng sinh khối trấu và tối ưu hóa quy trình đốt cháy để cho ra tro giàu silica, tách tro trấu và tinh chế thành silica cao cấp, mang lại giá trị gia tăng cho nhiều ngành công nghiệp. Các nghiên cứu về công nghệ sản xuất silica sinh học từ tro trấu cũng được chuyên gia trường Đại học Bách Khoa TPHCM giới thiệu.   

Tiếp theo đó, chuyên gia từ Đức đã trình bày về công nghệ và ứng dụng của chu trình Rankine hữu cơ. Trong khi đó, giảng viên của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giới thiệu về mô hình ESCO phát điện và nhiệt tại các khu công nghiệp.  

Diễn đàn kết thúc bằng phiên thảo luận giữa đại diện dự án BEM, các diễn giả và đại biểu về khó khăn, rào cản cũng như cơ hội hợp tác thúc đẩy ứng dụng các loại hình công nghệ được trình bày tại sự kiện.  

Hợp tác Nam – Nam được coi là một giải pháp nâng cao để kết nối các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu, thông qua chia sẻ kiến thức, kỹ năng, chuyên môn và nguồn lực để đáp ứng mục tiêu phát triển của các nước thông qua những nỗ lực phối hợp hành động hiệu quả. Thông qua khảo sát nhu cầu của các đại biểu trong và ngoài nước, dự án BEM đã lựa chọn một công nghệ điển hình và tối ưu về năng lượng sinh học để chia sẻ tại webinar dự kiến thực hiện vào giữa tháng 12/2022, là một hoạt động thí điểm trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và các nước Nam bán cầu.

Nhã Quyên