Nông nghiệp sạch

Triển khai công tác truyền thông ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Thứ tư, 1/2/2023 | 14:49 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến vừa chủ trì hội nghị triển khai công tác truyền thông ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, ngành nông nghiệp ngày càng đạt hiệu quả bền vững nhờ chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển từ nền kinh tế nâu sang xanh. Việc chuyển đổi giúp giảm mạnh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, chất lượng nông sản ngày càng tăng, quy mô sản xuất ngày càng lớn, sức cạnh tranh ngày càng cao; nông sản Việt đã được xuất khẩu sang hơn 200 thị trường.

Về an toàn thực phẩm, số lô hàng thực phẩm xuất khẩu bị trả lại giảm đáng kể trong những năm qua, cho thấy nông sản của Việt Nam đã ít bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và hóa chất độc hại. Thậm chí, Việt Nam đã có định hướng phát triển nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, trong đó tập trung các giải pháp trong canh tác lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị triển khai công tác truyền thông ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết của Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vì vậy, Bộ đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung đẩy mạnh truyền thông trong năm 2023 bao gồm: 

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là 4 quy hoạch quốc gia và các Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi; tuyên truyền về định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tạo môi trường thông thoáng cho tất cả các cực tăng trưởng, trong đó Nhà nước tạo bối cảnh, khoa học đi tiên phong, doanh nghiệp đua tài, nông dân hưởng lợi.

Đẩy mạnh, quyết liệt, khôn khéo trong xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường và tháo gỡ các rào cản thương mại.

Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thúc đẩy khoa học công nghệ, bởi khoa học công nghệ chiếm 30 - 35% giá trị gia tăng sản phẩm. Cần xác định vị thế của quốc gia, vị thế của các ngành, lĩnh vực chính là vị thế của khoa học công nghệ. Do đó, cần kết hợp các viện, trường, cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị liên hoàn.

Cần biểu dương, khuyến khích các hình thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả cao; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã.

Tuyên truyền, cổ động cả hệ thống chính trị và người dân triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Truyền thông về công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm nông sản. Bởi hiện nay, đa phần nông sản của Việt Nam vẫn xuất bằng bao trong khi các quốc gia phát triển trên thế giới chủ yếu xuất khẩu bằng túi.

Phương An