Triển khai nhiều giải pháp phát triển ngành điện đến năm 2030

Thứ hai, 7/9/2020 | 14:58 GMT+7
Ngày 7/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, điện lực là một lĩnh vực quan trọng đối với đất nước, có ảnh hưởng tới tất cả các mặt, lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển lĩnh vực điện lực. Nhờ đó ngành điện đã có sức phát triển nhanh chóng, cả nguồn và lưới điện, chất lượng điện, an toàn đã được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Với nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao, trong khi nhiều dự án điện trong quy hoạch điện VII bị chậm tiến độ, nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện gặp khó khăn thì việc cung cấp điện sẽ gặp thách thức trong giai đoạn tới do đó cần nhìn nhận, đánh giá lại để đưa ra các giải pháp phát triển trong thời gian tới. Đây cũng là mục đích của phiên giải trình này, để làm rõ hơn các nhóm vấn đề đặt ra, nhất là vấn đề thể chế.

Phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra...

Ngành điện đã cung cấp điện ổn định, an toàn, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010. Công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống (Pmax) năm 2019 đạt 38.249 MW.

Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh. Về nguồn điện, tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 54.880 MW. Về lưới điện, đến cuối năm 2019, tổng chiều dài đường dây 500 kV là 8.496km, tăng 2,2 lần so với năm 2010; chiều dài đường dây 220 - 110kV tăng từ 23.156km lên 43.174km (tăng 1,9 lần); dung lượng các trạm biến truyền tải cũng tăng khoảng 2,8 lần so với năm 2010.

Công tác đầu tư điện về nông thôn, miền núi, hải đảo được chú trọng thực hiện vượt chỉ tiêu của Đảng và Chính phủ đề ra, góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo. EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo. 100% số xã và 99,52% hộ dân, trong đó có 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước đã có điện.

Thị trường phát điện cạnh tranh cấp độ 1 hoàn chỉnh đã chính thức vận hành từ ngày 1/7/2012 và đã đạt được các kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện, tăng cường tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu chi phí toàn hệ thống.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, việc thực hiện quy hoạch, phát triển ngành điện vẫn còn những tồn tại như nguồn cung điện vẫn gặp rủi ro, nhiều dự án nguồn và lưới điện gặp khó khăn về vốn, về đền bù giải phóng mặt bằng…

Trên cơ sở chỉ rõ nguyên nhân, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ một loạt các giải pháp như: bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng LNG; tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện năng từ Trung Quốc; bổ sung và xây dựng lưới điện đồng bộ để giải phóng công suất các nguồn điện; có các giải pháp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Trong giai đoạn trung hạn và dài hạn ngành điện Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nhanh điện khí LNG dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hợp tác, xuất nhập khẩu điện với các nước trong khu vực để đảm bảo an ninh cung cấp điện; xây dựng lưới điện thông minh để đáp ứng yêu cầu vận hành linh hoạt, tích hợp được với tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo.

Ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực

Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, thời gian qua, ngành điện đã có những kết quả, thành tựu to lớn với quy mô đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 27 thế giới. Ngành điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân, đóng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quy hoạch điện VII chưa đạt được mục tiêu do nhiều nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, vốn vay; công tác phối hợp giữa các bộ ngành; hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chồng chéo, quản lý nhà nước còn hạn chế… Về cơ chế giá điện, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần thực hiện theo cơ chế thị trường, cạnh tranh, công khai, minh bạch. Thị trường là động lực của phát triển.

Để đáp ứng yêu cầu về điện trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Cần đổi mới tư duy, theo cơ chế thị trường nhưng đảm bảo có sự điều tiết của Nhà nước. Không để lợi ích cục bộ của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chi phối. Trong giai đoạn tới, cần có cơ cấu nguồn hợp lý, trong đó có nhiệt điện than, không để bị động trong nguồn cung năng lượng. Đồng thời tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống truyền tải, để giải toả công suất nhà máy điện một cách kịp thời.

PV