Rượu vang, với tôi, luôn gợi nhớ những kỷ niệm khó quên. Cũng như một bản nhạc hay, một chai rượu vang ngon, khi chúng ta nuốt những giọt cuối cùng, dư âm của nó còn đọng lại, êm đềm, sâu lắng, như khi nốt nhạc cuối cùng vừa dứt.
Rượu vang, hơn thế, như một tác phẩm nghệ thuật mà nhiều khi chân giá trị chỉ được kiểm chứng cùng với thời gian. Ngay cả khi một chai rượu vang đã được uống hết, hương vị của nó sẽ mãi là kỷ niệm.
Trong đợt công tác năm 2012 tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng với ngài Eduardo Chadwick, chủ sở hữu Lãnh địa Errazuriz nổi tiếng của Chile, chúng tôi được anh Huỳnh Thiện, chủ Công ty nhập khẩu rượu vang Finewines và Tạp chí Robb Report mời dự một tiệc rượu trong khu nghỉ dưỡng An Lâm Retreats Saigon River trên sông Sài Gòn.
![](/userfile/User/dohuong/images/2025/1/02/sg1-20250103101114708.JPG)
Tác giả (thứ hai từ phải sang) chụp chung với ông Eduardo Chadwick tại thành phố Hồ Chí Minh
Chúng tôi sáu người rời cảng Sài Gòn trên một chiếc ca nô nhỏ thay vì lên du thuyền vì nghe nói nước ròng cao quá nên sợ du thuyền vướng trụ cầu nhỏ. Đi ca nô quả là tiện, chỉ mất chừng 20 phút trong khi nếu đi taxi vào 5 giờ chiều, chắc phải mất 45 phút chúng tôi mới tới được Bình Dương.
Ngồi bên mạn ca nô lộng gió, tôi lặng lẽ ngắm hoàng hôn dần buông với những ráng đỏ đẹp mê hồn, những cánh cò chấp chới trong bầu trời và những mảng lục bình lãng đãng trôi trên sông Sài Gòn như những chàng say vô thức.
Dòng sông như một con trăn nước khổng lồ trườn quậy giữa những tòa nhà cao tầng, những khu phố chạy sát bờ kè và những hàng dừa nước. Chân vịt của ca nô làm những xoáy nước sùng sục cuộn lên từ dưới đáy sông, ẩm ướt, bí hiểm và tăm tối. Cả một thế giới vô hình với những chiều sâu vừa hứa hẹn vừa rình rập.
![](/userfile/User/dohuong/images/2025/1/02/sg2-20250103101114348.png)
An Lam Retreats Saigon River
An Lâm Retreats Resort quả là đẹp với những tòa nhà làm bằng gỗ quý ẩn mình trong cây lá, những con đường rải sỏi và một bể bơi nhỏ với những cây đại cổ thụ tỏa hương thơm ngát bao quanh, làm cho du khách có cảm giác sống trong một làng quê yên bình của miền Tây sông nước.
Sau khi dùng Champagne Gosset Brut Excellence với các món khai vị trong khoảng sân nhỏ ngay sát cạnh sông Sài Gòn, chúng tôi bắt đầu bữa tiệc với món tôm hùm nấu sốt kem và rượu vang trắng Errazuriz Single Vineyard Sauvignon Blanc 2007. Rượu thơm mát tới mức cô Angie Suksomboon, Giám đốc Công ty tổ chức các sự kiện về ẩm thực Epikurean phải thốt lên rằng cô có cảm tưởng rằng đó là một tuýp nước hoa chứ không phải là vang.
Món tiếp theo là súp nấm kem kiểu Cappucino, cũng kết hợp cực kỳ nhuần nhuyễn với chai Errazuriz Single Vineyard Sauvignon Blanc 2007.
Món cá vược nấu sốt Americano được dùng với chai Errazuriz Chardonnay Single Vineyard Wild Ferment 2009. Rượu đầy đặn, tròn trĩnh với mùi thơm ngát của bơ tượi và mùi va ni kết hợp cùng vị ngậy, vị béo của cá và nước sốt, làm cho thực khách không khỏi trầm trồ khen ngợi.
Món thăn bò bỏ lò sốt nấm vang đỏ được phục vụ với chai Errazuriz Don Maximiano 2006. Một khoảng khắc khó quên trong cuộc đời với màu vang đỏ ruby sóng sánh trong ly Riedel cao cấp, thơm nức hương vị phức hợp của quả đỏ và đen, mùi va ni, mùi cà phê, mùi khói và mùi thuốc lá sợi vàng hòa quyện trong tiếng nhạc Jazz du dương từ ngoài sân vọng vào sảnh lớn.
![](/userfile/User/dohuong/images/2025/1/02/sg3-20250103101114067.png)
Bàn tiệc tại An Lam Retreats Saigon River
Chúng tôi kết thúc bữa tiệc tại phòng xì gà với một điếu xì gà Pastore của Dominica và một ly Errazuriz Single Vineyard Sauvignon Blanc Late Harvest. Đứng tựa vào lan can cầu tàu, tôi mơ màng nhả khói và thả ký ức trôi theo dòng nước xiết. Tiếng động cơ một chiếc máy bay chở khách ầm ì trong bầu trời, đèn cánh và đuôi lập lòe như đom đóm.
Tôi bật cười vì trong một lúc lơ đãng, nghĩ mình đang trong chiếc máy bay kia, bay dọc sông Thames hạ cánh xuống sân bay London Gatwich.
Với tôi, sông Sài Gòn và sông Thames có rất nhiều nét giống nhau. Cũng triều cường vào sáng, triều xuống lúc nửa đêm. Cũng những dòng xà lan chở hàng và tàu dắt ngược xuôi. Cũng bờ kè đá dọc theo bến cảng. Chỉ khác nhau ở chỗ trên sông Sài Gòn là những mảng lục bình, còn trên sông Thames là những đọan thân cây mục.
![](/userfile/User/dohuong/images/2025/1/02/sg4-20250103101113676.JPG)
Những chai vang trắng Errazuriz trên bàn tiệc
Năm ấy, tôi đưa con sang London học lớp tiếng Anh cấp tốc 3 tháng, còn mình thì xuống làm việc ở Ashford, một thành phố gần Dover, thành phố cảng miền cực Nam nước Anh, nơi tàu tốc hành Eurostar xuyên biển Manche chạy từ Paris qua.
Chúng tôi từ Nice qua sân bay London Gatwich bằng hãng hàng không giá rẻ EasyJet. Rẻ đến không ngờ vì giá vé máy bay cho hai bố con chỉ mất chừng 70 bảng, chưa bằng giá xe taxi chạy từ sân bay về nơi chúng tôi ở, một khu nhà 3 tầng ở Surey Quay, ngay bên cạnh sông Thames.
Không hiểu sao người bạn của vợ tôi lại tìm được một nơi lý tưởng đến như vậy: cách trung tâm London không xa, ngay cạnh bờ sông Thames, trước cửa khu nhà là một công viên lớn với những lối đi bằng xi măng trộn sỏi, thảm cỏ xanh mượt mà và những hàng cây ngô đồng (platane) đều tăm tắp.
Nhưng điều tôi nhớ nhất là mỗi khi đi dạo trong công viên, chúng tôi thường thấy một phụ nữ trẻ người châu Á mang theo một túi bánh mì, rải ra đường cho chim bồ câu và sóc ăn.
Đúng vậy, những con sóc nhỏ màu nâu ở London rất dạn người, nhảy tung tăng từ cành này sang cành khác hoặc chạy xuyên qua các lối đi. Một vài chú còn bạo tới mức tới ăn ngay trong lòng bàn tay của người phụ nữ nọ.
Nghỉ xả hơi một tuần, tôi gặp lại chị trong khi chạy thể thao trong công viên. Các bạn hãy thử hình dung một công viên sát bờ sông của xứ sở sương mù ảm đạm, vào 5 - 6 giờ chiều, khi mặt trời đã tắt nắng và làn hơi nước từ sông Thames bắt đầu lan tỏa, tiếng chim sẻ ríu rít về tổ và vài chú hải âu soải cánh lướt trên mặt sóng, thỉnh thoảng rít lên vài tiếng kêu buồn bã. Tôi vẫn có cái thú chạy tập thể thao như thế vào lúc chiều tà ngay từ khi mới sang Pháp, để rung cảm được với cái hồn của thiên nhiên lúc giao thời giữa buổi chiều tắt nắng và màn đêm len lỏi tới từ từ, để nghe mênh mang một nỗi buồn vô cớ, đễ rồi thấy mình như tan ra giữa hư vô, lẫn lộn giữa sợ hãi và thích thú.
Khi tôi chạy tới sát sau lưng, chị ngoảnh lại nhìn, cái nhìn pha chút ngạc nhiên vì ở khu này không có nhiều người châu Á, vả lại, một thằng cha dở hơi chạy tập thể thao trong lúc các đồng loại của hắn đang chén chú chén anh bên những lon bia Heineken hay Pils… Công viên khá rộng nên tôi còn gặp chị vài lần, trước khi cái bóng mảnh mai ấy khuất dần sau bức tường trông ra phố.
Vừa chạy, tôi vừa tự hỏi người phụ nữ ấy là ai, là người Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan hay Malaysia? Người Ấn Độ hay Pakistan thì không vì chị đâu có nước da màu bánh mật. Hơn nữa, mắt phụ nữ Ấn Độ thường rất to, đen và sâu thăm thẳm. như hút hồn mình vào trong đó. Hình như chị là người lai Âu - Á vì chị có cái mũi cao thanh tú, nước da trắng hồng và phong thái mang đậm nét châu Âu.
Bẵng đi vài hôm, tôi không gặp lại chị. Lúc đầu cũng không để ý nhưng tới cuộc chạy thứ ba thì cảm thấy thiếu vắng một chút gì. Chị như một vệt sáng mong manh trên con đường rải sỏi với tiếng áo quần sột soạt, tiếng giầy lướt trên thảm lá nhẹ như một hơi thở, mùi nước hoa thoang thoảng quyến rũ và nhất là đôi mắt long lanh dưới bờ tóc dày cắt ngang vai.
Công bằng mà nói, tôi đã gặp những phụ nữ châu Á hoặc phụ nữ lai châu Âu đẹp hơn chị rất nhiều. Tuy nhiên, trong khung cảnh tranh tối tranh sáng của một công viên cuối hè đầu thu, vẻ đẹp của phụ nữ hình như được tôn lên rất nhiều thì phải...
Tuần tiếp theo, tôi phải xuống Asford làm việc trong một khách sạn lớn. Công việc bận bịu, cộng với những lo toan đời thường khiến tôi quên hẳn cái chấm sáng chợt đến, chợt đi trong một công viên ở London.
Hai tuần nữa qua đi. Tôi xin phép giám đốc khách sạn được cộng dồn phép ba tuần làm một để có thời gian ở lại chơi với con trai tôi lâu hơn. Ông đồng ý.
Tôi tha thẩn đi bộ ra ga Ashford, chỉ cách khách sạn nơi tôi làm việc chừng 20 phút. Ga tàu vắng vẻ, chỉ có vài người khách đọc báo đợi tàu trên ghế băng và một kẻ hành khất ngồi dựa lưng vào tường ngủ say sưa, nước dãi chảy lòng thòng trên bộ râu rậm rì bẩn thỉu.
Ở xứ nào cũng có những người như vậy, do hoàn cảnh xô đẩy: mất việc, ly hôn, xáo động mạnh về tình cảm, thất tình, chán đời, chán mình… Tôi thấy lòng se lại vì chạnh nghĩ mình cũng là kẻ tha phương, so với kẻ kia thì hiện giờ khá hơn nhiều lắm nhưng cuộc đời lúc lên voi xuống chó, liệu có bao giờ…
Lát sau, tàu vào ga. Toa tôi lên vắng vẻ lạ thường, chỉ có một cặp vợ chồng người Anh đứng tuổi và một phụ nữ trẻ đang đọc sách, mặt bị che khuất bởi một chiếc mũ rộng vành có nơ màu đen.
Hành trình từ Ashford lên London kéo dài 1 giờ 30 phút vì thế tôi giết thời giờ bằng cách ngắm người phụ nữ trẻ. Tôi mang máng đã gặp chị ở đâu rồi, cũng cái dáng thon thả ấy, mái tóc hoe vàng cắt ngang vai, chiếc váy mùa hè màu sáng điểm những chấm nhỏ màu xanh da trời. Cho tới khi người soát vé tới và chị ngẩng mặt lên. Chính là chị!
Chị cũng nhận ra tôi và đỏ mặt lên. Trời đất ạ, tại sao phụ nữ lại hay đỏ mặt lên như thế? Sau mấy giây, tôi ấp úng chào chị bằng tiếng Anh, không ngờ từ cái miệng xinh xắn kia lại thốt ra một tràng tiếng Việt, giọng Sài Gòn lơ lớ: “Chào ông. Tôi đã hân hạnh được gặp ông cách đây ba tuần, trong một công viên ở London thì phải?”.
Rồi chị chủ động tới ngồi cạnh tôi. Không ngờ chị lại thích “buôn dưa lê” đến thế, chắc là đã lâu không gặp người cùng xứ.
Sau đây là câu chuyện chị kể:
“Chẳng giấu gì anh, hôm gặp anh trong công viên, em đã tính gọi giật anh lại để hỏi chuyện vì em tin chắc anh là người Việt Nam mà. Nhưng sau lại thôi vì thấy kỳ quá, ai lại giữa đường giữa chợ túm một người đàn ông mặc quần cộc chưa hề quen biết lại hỏi chuyện bao giờ. Em tên Lan, tên Pháp là Jeanne. Mẹ em người Hải Phòng, bố em người Pháp. Ba mẹ em vào Sài Gòn năm 1954, rời Việt Nam về Pháp năm 1972, khi em 8 tuổi vì thế em nói tiếng Việt khá sõi. Hơn nữa, mẹ em khi lấy bố em không nói được tiếng Pháp, khi sinh tụi em bà toàn dạy tụi em nói tiếng Việt, lâu riết đâm quen. Bố em đi làm suốt ngày vì là sĩ quan Pháp, chỉ tối về mới chơi với tụi em đôi chút. Nhà em ở khu Thanh Đa vì thế em thường cùng tụi nhóc bên hàng xóm ra bờ sông Sài Gòn chơi suốt. Rời Việt Nam, sang Paris, em khóc ròng mấy tháng trời, không làm sao quên được những kỷ niệm thời thơ ấu, cây mãng cầu xiêm trong sân, chị vú người Tiền Giang trong bộ quần áo bà ba đen và nhất là sông Sài Gòn khi triều xuống, lúc triều lên. Vào học trường Pháp, thấy tủi thân vì bạn bè khinh khi, coi mình là dân từ thuộc địa về chứ không phải dân chính quốc. Nhưng rồi cũng phải quen, cuộc sống mà anh. Em học bác sĩ nhi khoa, đi làm được mấy năm thì lấy chồng là người Anh, làm trong ngân hàng HSBC ở London. Anh gặp em trên tàu là vì em vừa về thăm ba mẹ em bên Pháp…”.
Tàu tới ga London 6 giờ 30 tối. Tôi ngỏ ý muốn đưa Jeanne về nhà, chị nghĩ ngợi giây lát rồi gật đầu đồng ý.
Chúng tôi lên xe điện ngầm, xuống ga Surey Quay, đi bộ dọc đường kè sông Thames. Đêm xuống chầm chậm, dịu dàng, thoảng mùi ẩm ướt. Tiếng một chú bồ nông xao xác phá tan cái im lặng của đêm nhưng chỉ một lúc sau đã tắt lịm trong tiếng sóng vỗ ì oạp.
Tới khuôn viên trước cửa khu chung cư Jeanne ở, chúng tôi chia tay. Một cơn gió từ sông Thames, như đùa, chợt ào tới, giật chiếc mũ rộng vành trên đầu Jeanne rồi ném nó xuống giữa dòng nước xiết. Jeanne thoáng luống cuống nhưng chị nhoẻn miệng cười, hàm răng sáng bóng: “Thôi, không hề gì đâu anh, mai mốt em sẽ mua cái khác”.
Chiếc mũ rời xa bờ, giữa những cơn xoáy nước. Đâu đó, xa lắm thì phải, có một con sông tên là sông Sài Gòn.