![](/userfile/User/dangthai/images/tong%20thi%20phong.jpg)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao đổi với ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
.
Tham dự phiên họp bế mạc có bà Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc…
Về phía quốc tế có Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong; ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Pereric Hogberg, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam và các vị Trưởng đoàn Nghị viện của nhiều quốc gia…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết: “Sau hai ngày rưỡi làm việc trên tinh thần khẩn trương, tích cực trong bầu không khí sôi nổi và đầy trách nhiệm trước thách thức lớn đối với nhân loại và từng quốc gia về tác động biến đổi khí hậu. Trong đó, Hội nghị dành 1 ngày đi thăm thực địa tại huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” đã hoàn thành các nội dung đề ra trong chương trình nghị sự”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đánh giá cao sự tham gia tích cực của các nghị sỹ, các chuyên gia góp phần tạo nên thành công của Hội nghị, đồng thời tóm tắt những vấn đề quan trọng nổi bật được đúc kết từ Hội nghị như sau:
Một là, biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với phát triển bền vững, nhất là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; tác động nghiêm trọng đối với đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân. Đối mặt với tình hình đó, Hội nghị chúng ta đã thảo luận những biện pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các Quốc hội nhằm ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu và thực thi những cam kết quốc gia trong lĩnh vực này, đảm bảo việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần “không bỏ ai lại phía sau”.
Hai là, Nghị viện có vai trò dẫn dắt trong việc thực hiện SDGs trong việc xây dựng và hình thành các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với Bộ tiêu chí tự đánh giá do IPU và UNDP xây dựng đã được chính thức công bố tại Hội nghị lần này, lần đầu tiên, Quốc hội các nước có những tiêu chí toàn diện, cụ thể, hiệu quả để có thể tự đánh giá tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện những cam kết nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, Liên Hợp quốc có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, Quốc hội các nước cần tăng cường phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc nhằm nâng cao năng lực của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDG.
Ba là, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nguy cơ gia tăng các dịch bệnh theo mùa và dịch bệnh mới nổi, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, chất lượng nước cho mọi người dân. Phụ nữ, trẻ em là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu vì phụ nữ còn phải gánh vác quá nhiều công việc, quyền ra quyết định còn hạn chế vì vẫn tồn tại sự bất bình đẳng trong tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Bốn là, bên cạnh những thách thức, vẫn có những cơ hội cho phát triển bền vững, tạo điều kiện để các nước chuyển đổi mô hình phát triển, thích nghi với biến đổi khí hậu và đạt được các SDG. Điều này đã được thể hiện qua chuyến thăm thực địa và trồng cây tại huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam - nơi các đại biểu đã chứng kiến những dự án trồng rừng ngập mặn góp phần không nhỏ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức, đem lại nguồn sinh kế bổ trợ cho người dân vùng ven biển và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm là, Hội nghị đã nhấn mạnh: Quốc hội cần hành động mạnh mẽ và đồng bộ hơn để ứng phó biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường vai trò lập pháp và giám sát của Quốc hội, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này trên quy mô khu vực và toàn cầu. Quốc hội cần thúc đẩy hỗ trợ hơn nữa người nghèo, người yếu thế, phụ nữ, trẻ em và những khu vực bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Sáu là, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, việc huy động các nguồn lực tài chính cũng là một vấn đề quan trọng. Do đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát, đảm bảo phân bổ ngân sách và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các cam kết quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên; khuyến khích các tổ chức quốc tế và các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng: “Kết quả Hội nghị lần này cùng với các vấn đề được thảo luận, ý kiến đóng góp của các vị Đại biểu Quốc hội chia sẻ tại Hội nghị lần này sẽ được thông tin tới Đại hội đồng IPU và những Nghị viện thành viên khác của IPU trong thời gian tới.”
Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, bà Tòng Thị Phóng trân trọng cảm ơn tâm huyết, sự tham gia nhiệt tình của Ngài Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, Ngài Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký AIPA, các vị lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, các vị đại biểu, cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu để tổ chức thành công Hội nghị.
Trước Phiên bế mạc, Phiên toàn thể 3 đã được tổ chức với chủ đề “Huy động các nguồn lực để thực hiện các SDGs ở khu vực châu Á– Thái Bình Dương”. Điều hành Phiên toàn thể 3 là ông Tổng Thư ký IPU Martin Chungong; ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Kim Han-jung, Nghị sỹ Hàn Quốc; ông Pereric Hogberg, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam. Nội dung của Phiên toàn thể 3 xoay quanh vấn đề các nguồn quỹ hỗ trợ và xoá nợ đã từng là những yếu tố quan trọng đối với Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Ngày nay, các nguồn lực khác từ cả khu vực công và tư đều được công nhận rộng rãi là cần thiết để thực hiện các SDGs. Phiên họp toàn thể 3 đã xem xét các Nghị viện cùng các đối tác phát triển làm thế nào để bảo đảm đủ nguồn lực tài chính và phi tài chính để thực hiện chiến lược SDGs quốc gia và khu vực, đồng thời nhấn mạnh các cam kết then chốt trong quá trình hợp tác phát triển và thể chế hoá.
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị, đã diễn ra cuộc Họp báo quốc tế với sự chủ trì của ông Martin Chungong, Tổng Thư ký Liên minh nghị viện thế giới (IPU); Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.
Tại cuộc họp báo, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong cảm ơn Quốc hội Việt Nam đã giúp IPU tổ chức rất thành công hội nghị. Ông cho biết, hội nghị lần này đề cập vấn đề rất quan trọng của thế giới hiện nay đó là chống lại những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thu hút trên 200 nghị sỹ đến từ 24 Quốc hội các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tham gia.
Theo Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong, để thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ về ứng phó với biến đổi khí hậu, mỗi quốc gia cần cố gắng nhiều hơn nữa, cần có quyết tâm chính trị cao để huy động nhiều nguồn lực đưa loài người, đặc biệt là các đối tượng yếu thế thoát khỏi đói nghèo. Sau 3 phiên họp với 5 chủ đề, 1 ngày đi thực tế tìm hiểu cuộc sống người dân tại vùng đất ngập nước Cần Giờ, TPHCM, hội nghị chuyên đề của Liên minh Nghị viện thế giới với chủ đề Ứng phó với biến đổi khí hậu – Hành động của các nhà lập pháp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã hoàn thành tất cả các nội dung đề ra và thành công tốt đẹp. Các đại biểu Liên minh Nghị viện thế giới đánh giá cao vai trò chủ nhà của Việt Nam.
Phát biểu với báo giới tại buổi họp báo quốc tế, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: Để có được sự thành công tốt đẹp của Hội nghị lần này, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị rất kỹ từ nhiều tháng nay. Tham dự Hội nghị có 200 đại biểu, trong đó có hơn 200 đại biểu quốc tế đến từ 24 Nghị viện các nước Châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có 4 vị Chủ tịch Quốc hội, 5 vị Phó Chủ tịch Quốc hội). Đại biểu trong nước khoảng 90 người là Lãnh đạo nhiều Bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo phóng viên báo chí tham dự đưa tin về Hội nghị. Hội nghị có 3 Phiên họp với 5 chủ đề, chủ đề nào cũng có sự thu hút riêng các đại biểu sôi nổi, hào hứng tham luận và trao đổi. Điểm mới của Hội nghị là tổ chức thực địa 1 ngày tại khu vực rừng Sác, huyện Cần Giờ, TP.HCM – là lá phổi xanh cho TP.HCM và cũng là nơi có nhiều mô hình ứng phó hiệu quả với BĐKH.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết: Điểm nổi bật của Hội nghị đó là sự kiện Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đã tiến hành Lễ Công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nghị viện do IPU và UNDP xây dựng. Đây là một văn bản hết sức quan trọng, góp phần cung cấp thông tin về các Mục tiêu Phát triển bền vững, khuôn khổ hành động, sự tham gia của các Nghị viện để thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Việt Nam vinh dự được Liên minh Nghị viện thế giới chọn là quốc gia để công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nghị viện do IPU và UNDP xây dựng.
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết: Bộ tiêu chí nêu trên bao gồm các nội dung: Nhận thức và quyết tâm chính trị của các vị đứng đầu Quốc hội các nước; chương trình hành động và mục tiêu của mỗi quốc gia; đưa vào hoạt động của các cơ quan trực thuộc Quốc hội; phân bổ nguồn lực (bao gồm cả việc thu hút nguồn lực của khối doanh nghiệp, tư nhân, các tổ chức tín dụng – tài chính quốc tế…); chức năng giám sát của Quốc hội; tăng cường giao lưu trao đổi với người dân (tạo sự tương tác với người dân); đáp ứng nhu cầu cho nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, việc đầu tiên ngay sau khi kết thúc Hội nghị này, Quốc hội Việt Nam sẽ công bố công khai rộng rãi Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nghị viện, để xã hội và toàn thể người dân được biết, tham gia giám sát. Đồng thời đề xuất Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội xem xét việc yêu cầu Chính phủ báo cáo chuyên đề về Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong kỳ họp Quốc hội tới đây…
Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về kế hoạch và nguồn lực ứng phó với BĐKH tại Việt Nam; tác động của dự án thuỷ điện Pắc-Beng (Lào) đối với ĐBSCL…
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 2 Hội thảo tham vấn dự án thủy điện Pắc – Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Công tại Hà Nội và TP Cần Thơ trong đầu tháng 5/2017. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định việc tiến hành các hoạt động tham vấn nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam, tôn trọng lợi ích các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công, trên nguyên tắc, thông lệ, thỏa thuận giữa các bên thông qua Ủy hội Sông Mê Công quốc tế hướng dẫn, để có thể kiến nghị khắc phục những vấn đề còn bất cập nhằm mục đích hài hòa giữa bảo vệ môi trường sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn trên cơ sở khoa học, kỹ thuật, pháp lý và gìn giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, lâu đời giữa hai nước Việt - Lào. Việt Nam luôn mong muốn chia sẻ lợi ích về nguồn lợi nguồn nước với các quốc gia.
Trả lời câu hỏi về các dự án ứng phó với BĐKH, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Từ năm 2015, chúng ta đã lập kế hoạch 61 dự án cấp bách, không thể trì hoãn với tổng kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng. Các dự án ưu tiên trong giai đoạn trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý phê duyệt khoảng 15.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống hồ tích trữ nước ngọt; phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, dự báo khí tượng thuỷ văn; di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm….Còn về lâu dài, để phát triển nền kinh tế xanh theo hướng các-bon thấp và giảm phát thải khí nhà kính, như cam kết trong Thoả thuận Paris thì Việt Nam cần một nguồn lực đầu tư rất lớn. “Vì vậy, chúng ta cần sớm nghiên cứu, ban hành các chính sách, biện pháp phù hợp để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân, nhằm tăng cường sự đầu tư giảm lượng phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, dần dần chuyển đổi nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nhiên liệu không tái tạo sang năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất và tiết kiệm năng lượng” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.