Kinh tế xanh

Ứng phó với biến đổi khí hậu để duy trì phát triển kinh tế bền vững

Thứ hai, 21/12/2020 | 17:22 GMT+7
Chiều 21/12, tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế Việt Nam và Ngân hàng thế giới (WB) đã cùng thảo luận về những tác động của môi trường và dịch bệnh với kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020.

Trong Báo cáo Điểm lại WB vừa được công bố, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm 2020 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 2,8%, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

Mặc dù là một trong số ít những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương nhưng chỉ số này vẫn thấp hơn so với dự đoán hồi đầu năm. Các chuyên gia nhận định, sự suy giảm này có ảnh hưởng trực tiếp đến thảm họa thiên tai mà Việt Nam phải gánh chịu.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngoài những thiệt hại do bão gây ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn thì ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam hiện đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 60.000 người, gây tổn thất tương đương 23 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài ra, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện cũng đang là một thảm họa về sinh thái do hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, gây tổn thất nặng nề về năng suất nông nghiệp.

Biến đổi khí hậu gây nên những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng (WB) cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn và thảm họa thiên nhiên ở ĐBSCL đã gây ra thiệt hại nặng nề cho kinh tế Việt Nam, tổng thiệt hại chiếm 6 - 8% GDP hàng năm.

Để ứng phó với tình trạng này, ông Jacques Morisset đề xuất hai bài học cho Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam hãy sẵn sàng hành động và đừng chờ đợi, nên theo đuổi tư duy xanh và sạch càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt trong hầu hết các chính sách, hành động và đầu tư. Việt Nam có thể kiểm soát và ứng phó tốt với đại dịch Covid-19, cách tiếp cận toàn diện và đổi mới sáng tạo đó có thể được nhân rộng trong nghị trình về môi trường vì đó là cách giúp tăng cường trách nhiệm của cá nhân và tập thể. Ví dụ, tạo ra những biện pháp khuyến khích tốt và phù hợp như có những định giá tốt về nước, điện, tài nguyên… coi trọng tâm lý e ngại chế tài để thực nghiêm túc vấn đề bảo vệ môi trường; tạo lòng tin của người dân với các nhà hoạch định chính sách; cung cấp thông tin, chia sẻ thông tin đến người dân để mọi người hiểu và chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Richard Damania, chuyên gia kinh tế trưởng và Phát triển bền vững (WB) nhấn mạnh: “Việt Nam đã ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 hiệu quả hơn hầu hết các quốc gia khác. Do đó, Viêt Nam cũng có thể quyết tâm như vậy trong nỗ lực ứng phó với những rủi ro của việc cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu chia sẻ tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại

Ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu cho biết, người dân bị hưởng nặng nề và không có phương án dự phòng khi gặp những tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, việc khai thác tài nguyên hợp lý trong giai đoạn này cũng có thể giúp nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế. Chẳng hạn như tỉnh Ninh Thuận có tổng thu nhập bình quân đầu người rất thấp nhưng trong năm vừa rồi, tỉnh đã vượt lên đứng thứ 3 và lên 24% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ chuyển đổi và sản xuất năng lượng tái tạo, chủ yếu từ điện mặt trời áp mái và điện gió.

Mặt khác ông Huy cũng chia sẻ, trong báo cáo của Vietnam Energy Partnership Group, thống kê trong 2 năm qua có 74.281 hệ thống điện mặt trời áp mái, tương đương 2.875 MW tích điện, với hơn 7.361 hộ gia đình tham gia lắp đặt hệ hống năng lượng tái tạo này. Điều này cho thấy, sự chuyển sang phát triển xanh giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề, bao gồm môi trường sạch, kinh tế cho doanh nghiệp tư nhân và người dân.

"Phục hồi xanh giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội về tăng trưởng thông qua việc mở ra những "cánh cửa mới" để tạo việc làm cho người dân. Liên quan đến giai đoạn phục hồi kinh tế, để làm cho giai đoạn này phục hồi một cách bền vững, chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam có thể áp dụng những chính sách nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi xanh nhất có thể", bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Thanh Bảo