Đây là bước đi chiến lược trong tiến trình thúc đẩy hợp tác tài trợ nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo toàn diện và dài hạn của hai quốc gia nhằm xây dựng nền tảng khoa học và công nghệ vững chắc, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển bền vững; khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, thời gian qua, hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Lào đã có nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh cả hai quốc gia đang thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống khoa học và công nghệ theo hướng đồng bộ, linh hoạt và hiện đại, Việt Nam cũng đã tích hợp các lĩnh vực quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, viễn thông và bưu chính… vào một đầu mối là Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cùng với đó là sự vận hành hiệu quả của hai quỹ tài trợ: NAFOSTED - cơ quan điều hành duy nhất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, đảm nhận cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và sản xuất; Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) tập trung cho hoạt động hỗ trợ chuyển giao và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Đây là định hướng lớn của Việt Nam nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và sản xuất, đồng thời khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Lễ ký bản ghi nhớ hợp tác tài trợ nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Lào (FOSTED). (Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ)
Thứ trưởng cho biết thêm, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua đã tạo hành lang pháp lý mở, khuyến khích sự tự chủ trong hoạt động nghiên cứu và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Trên nền tảng đó, NAFOSTED đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng hệ thống quản lý tài trợ hiện đại, minh bạch và hiệu quả, sẵn sàng chia sẻ toàn bộ mô hình, kinh nghiệm và công cụ hỗ trợ cho FOSTED, đặc biệt là trong việc chuyển đổi số, xây dựng hệ thống quản lý nhiệm vụ trực tuyến, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin và nâng cao năng lực điều hành quỹ.
Thứ trưởng khẳng định, hợp tác giữa NAFOSTED và FOSTED không chỉ dừng lại ở các chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản mà cần mở rộng sang hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Tại buổi lễ, ông Samlane Phankhavong, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Phó Chủ tịch Quỹ FOSTED bày tỏ cảm ơn sâu sắc tới Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và NAFOSTED vì sự đồng hành, hỗ trợ bền bỉ trong suốt thời gian qua. Ông đánh giá cao tính hiệu quả của các chương trình hợp tác, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng hành lang pháp lý, chia sẻ mô hình vận hành quỹ, đào tạo nâng cao năng lực quản lý khoa học và công nghệ.
Ông Samlane Phankhavong đề xuất một số nội dung cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Bộ Giáo dục và Thể thao Lào trong công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; NAFOSTED tiếp tục tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cụ thể để FOSTED có thể tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản pháp lý liên quan đến cơ chế tài trợ nghiên cứu; hai bên duy trì cơ chế trao đổi thường xuyên về kinh nghiệm quản lý quỹ, cũng như quy trình xét chọn, tài trợ những nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp với điều kiện của Lào…
Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhất trí với đề xuất của ông Samlane Phankhavong và gợi ý hợp tác mang tính chiến lược giữa hai quốc gia - phát triển phần mềm dịch tự động giữa tiếng Việt và tiếng Lào, có khả năng nhận diện giọng nói và chuyển đổi thành văn bản. Đây được xem là dự án trí tuệ nhân tạo (AI) thiết thực, không chỉ góp phần xóa rào cản ngôn ngữ trong nghiên cứu - đào tạo mà còn giúp Lào làm chủ công nghệ nhận diện giọng nói bản địa. Đồng thời giao nhiệm vụ cho hai Quỹ phối hợp cùng hai Đại học Quốc gia của hai nước triển khai dự án.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ tin tưởng, với thế mạnh công nghệ thông tin và nghiên cứu ứng dụng, Đại học Quốc gia Hà Nội có thể đảm đương vai trò phát triển kỹ thuật; phía Lào sẽ hỗ trợ cung cấp dữ liệu, ghi âm giọng nói người Lào để vận hành hệ thống. Nếu dự án thành công, đây sẽ là sản phẩm đóng góp thiết thực cho hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả Việt Nam và Lào.