Nghị định này quy định về cơ chế, chính sách về hợp tác công tư để đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hợp tác công tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hợp tác công tư theo cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết; trách nhiệm của các bên trong hoạt động hợp tác công tư...
Theo Nghị định, lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số áp dụng hợp tác công tư gồm: công nghệ cao, công nghệ chiến lược theo quy định của pháp luật; hạ tầng số; nền tảng số dùng chung theo quy định tại điều 10 của Nghị quyết số 193/2025/QH15; hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số; hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số; các loại hình công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, hoạt động khác phù hợp với mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số.

Chính phủ vừa ban hành cơ chế, chính sách về hợp tác công tư để đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. (Ảnh minh họa)
Tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác công tư để đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước sau đây:
Ưu đãi về thuế: doanh nghiệp được tính 200% chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, theo quy định của Chính phủ.
Ưu đãi về đất đai và đầu tư: được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành.
Về quyền sở hữu kết quả nghiên cứu: được công nhận quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo theo quy định pháp luật và theo điều 6 của Nghị định này.
Cơ chế chấp nhận rủi ro trong R&D: được áp dụng cơ chế pháp lý cho phép chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiêu chí rủi ro, quy trình đánh giá và cơ chế bảo vệ người thực hiện được thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành.
Ưu đãi theo hình thức hợp tác: tổ chức, cá nhân tham gia dự án đầu tư theo chương II được hưởng ưu đãi theo điều này và điều 17 của Nghị định; hợp tác sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết theo chương III được hưởng ưu đãi theo điều này và điều 21 của Nghị định; hợp tác theo các hình thức khác tại chương IV cũng được áp dụng các ưu đãi quy định tại điều này và pháp luật liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhà nước có thể đặt hàng hoặc chỉ định thầu đối với sản phẩm, hàng hóa là kết quả của hợp tác công tư để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định các dự án PPP khoa học, công nghệ được áp dụng cơ chế đặc thù về hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm đầu tư của Nhà nước:
Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP có thể lên đến 70% tổng mức đầu tư để hỗ trợ xây dựng công trình và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Dự án PPP có hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo được đặt hàng hoặc tài trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước quy định tại điều 22 của Nghị định này. Phần kinh phí này độc lập với phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP quy định tại khoản 1 điều này.
Trong 3 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh, được áp dụng mức chia sẻ 100% phần chênh lệch giảm giữa doanh thu thực tế và doanh thu trong phương án tài chính khi doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu trong phương án tài chính. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu tại khoản này được áp dụng khi dự án PPP đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 điều 82 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Được áp dụng quy định về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn tại điều 52 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong trường hợp sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp dự án PPP tạo ra đã thực hiện cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu quy định tại khoản 3 điều này trong 3 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh nhưng doanh thu thực tế vẫn thấp hơn 50% doanh thu dự kiến trong phương án tài chính.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí đầu tư, xây dựng hạ tầng khoa học, công nghệ và các chi phí vận hành hợp pháp liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, tài sản hình thành từ dự án được chuyển giao cho Nhà nước theo quy định tại mục 3 chương V Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; sản phẩm khoa học, công nghệ hình thành từ dự án được xử lý theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án PPP.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, trừ quy định tại khoản 2 điều này. Quy định tại các điều 6, điều 19 và điều 22 của Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2025.