Việt Nam cần khai thác thêm khoảng 400 dự án thủy điện để giảm thiếu hụt điện năng

Thứ sáu, 28/7/2017 | 14:38 GMT+7
Ngày 28/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Tổng cục Năng lượng, Tập đoàn Điện lực phối hợp tổ chức hội nghị toàn quốc “Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo”.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, từ nay tới năm 2020, trong vòng hơn 3 năm nữa phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng điện thiếu khoảng 100 tỷ kWh vào năm 2020 và thiếu khoảng 300 tỷ kWh vào năm 2030. Vấn đề đặt ra ở đây là phải cần phải tính toán để khai thác tiềm năng các nguồn năng lượng trong nước còn có thể khai thác, đồng thời tìm các nguồn điện từ các nước trong khu vực cấp thêm điện cho Việt Nam như từ Lào, Campuchia, Trung Quốc...

“Theo tính toán của chúng tôi, nếu cho khai thác thêm khoảng 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa nữa, thì tổng công suất của nguồn thủy điện mới khai thác này sẽ đạt được từ 3.000MW đến 4.000MW bổ sung vào hệ thống điện quốc gia, hàng năm cung cấp được khoảng 20 tỷ kWh điện, góp thêm phần điện năng thiếu hụt”, Chủ tịch HIệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ còn lại; đánh giá tiềm năng, phát triển năng lượng tái tạo gồm: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối... trên địa bàn từng tỉnh, thành phố và từng vùng, miền trong cả nước từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Về nguồn thủy điện nhỏ và vừa, các bộ, ngành, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hữu quan trình bày minh bạch các diễn biến về tình hình phát triển thủy điện trong hơn 3 năm qua – kể từ khi có Nghị quyết 62/2013/QH13. Từ đó rà soát và đánh giá khả năng tận dụng tối đa nguồn thủy điện nhỏ và vừa trong điều kiện nguồn thỉu điện lớn và cận lớn đã khai thác gần hết với mục tiêu là tiếp tục phát triển các dự án thủy điện nhỏ và vừa phải đảm bảo được 5 nguyên tắc: an toàn tuyệt đối (hồ, đập, tính mạng của nhân dân); di dân tái định cư đồng bộ: không tác động xấu đến môi trường; hiệu quả phát điện, hiệu quả tổng hợp (môi trường, chống lũ, cung cấp nước); thực hiện đúng quy định của pháp luật (quy hoạch, lập và xét duyệt dự án, thi công giám sát, vận hành).

Về nguồn năng lượng tái tạo, trên cơ sở định hướng phát triển các nguồn điện gió, mặt trời, sinh khối... được xác định trong chiến lược và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nghiên cứu chuẩn xác tiềm năng từ loại nguồn điện này, áp dụng các giải pháp tối ưu để phát triển nhanh và chắc chắn. Từ đó đánh giá khả năng thực hiện ở mức cao nhất công suất và điện năng đạt được, tạo điều kiện giảm thiểu các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

 

 

 

 

Đỗ Thanh