WB hỗ trợ Việt Nam xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia

Thứ hai, 15/8/2022 | 14:16 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã cùng thảo luận với phía Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, về quan điểm xây dựng, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bám sát và thể hiện được tư tưởng của Đảng, Nhà nước về sử dụng không gian biển, trở thành quốc gia thịnh vượng từ biển, có nền văn hóa biển đậm đà bản sắc, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Quy hoạch được kỳ vọng giúp phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng không gian của các hoạt động trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, đưa ra các lựa chọn ưu tiên để phát triển toàn diện, bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau với các ngành, lĩnh vực trên đất liền tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong phát triển quốc gia; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với tự nhiên

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, hiện đầu tư của Việt Nam cho biển chưa cao, chưa đáp ứng được tiềm năng, trong đó dữ liệu về tài nguyên môi trường biển còn thiếu, chưa có hoặc rời rạc, chưa được cập nhật, trong khi biển thay đổi từng ngày từng giờ.

Do đó, tại buổi làm việc lần này, Bộ trưởng mong muốn được nghe các chuyên gia của WB, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, áp dụng những công nghệ, khoa học và cơ sở dữ liệu hiện đang có sẵn của Bộ để đưa ra được bản quy hoạch đáp ứng được thực tiễn.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, quy hoạch này là pháp lý quan trọng cho vấn đề quản lý tài nguyên môi trường biển gắn với các lĩnh vực kinh tế để phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương. Dựa vào sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế cũng như nội lực, Việt Nam quyết tâm thực hiện cho được. Quy hoạch được xác định ở 4 trụ cột đó là đảm bảo chủ trương chính sách của Đảng, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo hội nhập quốc tế và đảm bảo môi trường phát triển bền vững. Qua đây, Thứ trưởng mong muốn phía WB đưa ra những kinh nghiệm quốc tế để giải quyết các xung đột về ngành nghề, mục tiêu trên không gian biển; đưa ra tầm nhìn dài hạn cho quy hoạch.

Tại cuộc họp, các chuyên gia của WB đã đưa ra dự thảo về các khái niệm quy hoạch không gian biển; phương pháp, cách tiếp cận lập quy hoạch; kinh nghiệm của các nước trong việc phân vùng sử dụng không gian biển.

WB cũng đưa ra các giải pháp để bảo vệ và phát triển khu vực biển như lập các bản đồ theo dõi biến động của các khu vực dễ tổn thương; xây dựng hành lang bảo vệ (xây dựng đê, kè chắn sóng); lập kế hoạch thích ứng bằng cách di chuyển các hoạt động kinh tế và người dân; chuyển đổi nền kinh tế phù hợp với thực tiễn…

Nhấn mạnh tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ TN&MT, đại diện WB cho biết, đây là nhiệm vụ rất khó, nhưng phía WB sẽ tiếp tục tìm kiếm các chuyên gia giỏi nhất và đồng hành với Việt Nam để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này.

Khả Như (T/H)