Năng lượng phát triển

Xây dựng chương trình chuyển đổi phương tiện giao thông điện cấp quốc gia

Thứ năm, 6/4/2023 | 08:00 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT) đồng tổ chức hội thảo khởi động “Xây dựng chương trình chuyển đổi phương tiện giao thông điện cấp quốc gia”.

Hội thảo là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á” (NDC-TIA).

Hội thảo nhằm chia sẻ bài học kinh nghiệm quốc tế trong việc lập kế hoạch và xây dựng lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện liên quan đến chiến lược chung, quy hoạch hệ thống trạm sạc, rà soát các chính sách tài chính... và trình bày khung nghiên cứu xây dựng lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông điện cấp quốc gia.

Trong bối cảnh phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, ngành giao thông vận tải hiện đang là một trong những ngành phát thải khí nhà kính lớn tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải" (Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022) với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050, trong đó có mục tiêu cụ thể là phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: GIZ)

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái nhận định, việc phát triển giao thông điện, sử dụng điện và nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang là xu thế mà các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay đang triển khai thực hiện. 

The ông Đỗ Công Thủy, hội thảo khởi động này là dịp để Cục và nhóm nghiên cứu lắng nghe các bên liên quan chia sẻ, thảo luận các vấn đề cần quan tâm, khó khăn thách thức và kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông điện, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh.  

Phát biểu tại hội thảo, bà Urda Eichhorst, Giám đốc dự án NDC-TIA nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, phương tiện giao thông điện là một biện pháp quan trọng để hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Phương tiện giao thông điện được coi là một công nghệ đầy triển vọng và là giải pháp cho mục tiêu phát thải carbon thấp, giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực đang gia tăng của ngành giao thông vận tải, đồng thời giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu.

Trong phiên hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe phần chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đến từ các chuyên gia của WRI và ICCT tập trung vào bài học của các nước trong xây dựng, phát triển lộ trình phương tiện giao thông điện, những vấn đề cần quan tâm trong việc triển khai hệ thống hạ tầng sạc dành cho phương tiện giao thông điện.

Ngoài ra, bài trình bày về cơ chế tài chính trong phát triển giao thông xanh của nhóm nghiên cứu trong nước cũng đã cung cấp một bức tranh tổng quan về các chính sách hiện hành và định hướng về ưu đãi, hỗ trợ cần quan tâm dưới góc độ các nhà làm chính sách.

Các cơ hội, khó khăn và thách thức trong thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông điện đã được chia sẻ thêm dưới góc nhìn của doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm trong lĩnh vực giao thông xanh.

Các đại biểu nhấn mạnh việc cần thiết phải nhìn nhận được những khó khăn, thách thức; cần cụ thể về đối tượng nghiên cứu đảm bảo việc xây dựng một lộ trình phù hợp. Ngoài ra cần đánh giá tác động của các chính sách hiện hành ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chuyển đổi, nghiên cứu thêm về vấn đề xử lý môi trường (pin).

Việc phát triển giao thông điện, sử dụng điện và nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh hiện đang là xu thế

Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của dự án NDC-TIA trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông điện cấp quốc gia, đặc biệt là việc đồng tổ chức hội thảo khởi động và bày tỏ kỳ vọng về việc xây dựng, thiết lập một lộ trình chuyển đổi hợp lý trong thời gian tới thông qua những đóng góp và sáng kiến thiết thực được đưa ra trong hội thảo khởi động. 

Dự án NDC-TIA là một phần của Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI). IKI làm việc dưới sự lãnh đạo của Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK) và sự hợp tác chặt chẽ với bên sáng lập, Bộ Môi trường Liên bang và Văn phòng Ngoại giao Liên bang. Tại Việt Nam, tổ chức thực hiện dự án là GIZ và các tổ chức đối tác bao gồm Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT).

Tiến Đạt