Sức khỏe

Xây dựng chương trình giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm

Thứ tư, 16/8/2023 | 00:13 GMT+7
Nhằm thay đổi hành vi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các bên liên quan mới đây đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia về giáo dục, truyền thông và văn hóa an toàn thực phẩm.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT, hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi, phong tục, tập quán trong sản xuất, kinh doanh, ăn uống lạc hậu, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng thực phẩm.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạng đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều điểm nóng về an ninh, an toàn thực phẩm chưa được giải quyết; công tác tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn; việc xử lý dứt điểm vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản còn chậm.

Để thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, ông Bùi Ngọc Quý đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, Đảng viên và nhân dân.

Quang cảnh hội thảo

Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp chia sẻ, vấn đề giáo dục an toàn thực phẩm hiện nay chưa được coi trọng, truyền thông chính sách về an toàn thực phẩm còn yếu, thiếu chiến lược, chiến dịch, chương trình chuyên biệt về giáo dục, truyền thông gắn với xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm.

Do đó, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, ưu tiên xây dựng bộ quy tắc ứng xử và hướng dẫn thực hành xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm các cấp. Ngoài ra, cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược giáo dục, truyền thông, xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm đến 2030; triển khai ngay chiến dịch, chương trình chuyên biệt hàng năm về giáo dục, truyền thông gắn với xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, cần lồng ghép nội dung văn hóa an toàn thực phẩm vào chương trình giáo dục mầm non, tiểu học; rà soát hài hòa quốc tế chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học thực phẩm; tổ chức tập huấn nhân sự các cấp quản lý, sản xuất, kinh doanh thực phẩm về truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm. Xây dựng mô hình điểm thực hành quy tắc ứng xử văn hóa an toàn thực phẩm tại các cấp độ như hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở thương mại, nhà hàng, hộ gia đình để tổng kết đánh giá nhân rộng.

Đại diện các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp tham gia hội thảo cũng trình bày báo cáo, tham luận về công tác giáo dục, truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ở Việt Nam. 

Bên cạnh đó, chuyên gia của Canada chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác giáo dục, truyền thông, văn hóa an toàn thực phẩm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện hiệu quả giáo dục, truyền thông an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Gia Linh