Sức khỏe

Công dụng tuyệt vời của mướp đắng với người bị tiểu đường, mỡ máu cao

Thứ hai, 12/8/2024 | 11:46 GMT+7
Mướp đắng (khổ qua) chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, trong đó phải kể đến khả năng hỗ trợ quản lý lượng đường trong máu.

Theo các nghiên cứu khoa học, trong thành phần của mướp đắng có chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, B1, B12, canxi, kali, sắt, kẽm, chất xơ, protein, chất béo, beta-caroten, charatin, polypeptide-p và vicine... tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người mắc bệnh tiểu đường và bệnh liên quan đến mỡ máu, nhờ đặc tính hạ đường huyết và chống tiểu đường mạnh mẽ.

Cụ thể, 3 hoạt chất charatin, polypeptide-p và vicine trong mướp đắng có khả năng quản lý lượng đường trong máu hiệu quả. Chúng giúp tế bào tiếp nhận các phân tử đường cũng như tăng tiết insulin.

Mướp đắng chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe

Bên cạnh đó, sử dụng mướp đắng còn đẩy nhanh quá trình chuyển hóa glucose, giúp giảm lượng đường trong máu, hỗ trợ điều trị hiệu quả cho người bệnh mắc tiểu đường type 2. Lưu ý, nếu đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào ảnh hưởng tới lượng đường trong máu thì cần thận trọng trong việc sử dụng mướp đắng để tránh trường hợp làm giảm lượng đường trong máu quá mức.

Mặt khác, việc sử dụng mướp đắng cũng có hiệu quả trong việc làm giảm cholesterol xấu trong máu. Đây là loại thực phẩm tốt cho những người bị bệnh tim mạch, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao... Sử dụng thường xuyên mướp đắng sẽ giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu, đột quỵ.

Ngoài ra, loại quả này còn có tác dụng tốt cho người bị viêm gan, xơ gan; giúp tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa; giảm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích; góp phần cải thiện thị lực; giúp thanh nhiệt, giải độc...

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tránh các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng mướp đắng các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tiêu thụ một lượng vừa phải, không nên lạm dụng; không nên sử dụng mướp đắng sau khi uống trà xanh để tránh ảnh hưởng đến dạ dày; không nên ăn khi bụng đói.

Với nước ép mướp đắng, không nên để nước ép ở môi trường bên ngoài quá lâu, cách bảo quản tốt nhất là bỏ vào tủ lạnh sau khi ép nếu chưa uống ngay. Thời gian tốt nhất nên dùng nước ép là vào buổi sáng sau bữa ăn, 2 - 3 ngày uống một lần.

Đáng chú ý, phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng mướp đắng vì loại thực phẩm này có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết và làm hư thai, dẫn đến sinh non. Mướp đắng còn có khả năng gây đột biến gene nên phụ nữ có thai không nên sử dụng mướp đắng, nhất là khi mang thai ở giai đoạn đầu. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì trong loại quả này có một số thành phần mang độc tính nhẹ, có thể truyền qua sữa mẹ. Độc tính này không ảnh hưởng ở người lớn nhưng có thể gây vấn đề với trẻ em, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng.

Bệnh nhân huyết áp thấp, người có vấn đề về hệ tiêu hóa, bệnh nhân trước và sau khi thực hiện phẫu thuật, người bị thiếu men G6PD… cũng không nên uống nước ép mướp đắng bởi nước ép mướp đắng có thể dẫn đến hôn mê do hạ glucose huyết. Đây là một rối loạn bệnh lý xảy ra khi nồng độ glucose huyết thanh giảm, gây tình trạng thiếu năng lượng cho cơ thể, buộc các tế bào não phải tìm kiếm năng lượng khác.

Mỹ Dung (T/H)