Nông nghiệp sạch

Xây dựng đề án phát triển ngành muối Việt Nam

Thứ sáu, 12/11/2021 | 15:49 GMT+7
Việt Nam có đường bờ biển rộng, số giờ nắng thích hợp, tạo thuận lợi cho nghề sản xuất muối phát triển. Nắm bắt tiềm năng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng đề án Nâng cao giá trị sản xuất, chế biến muối giai đoạn 2021 – 2025.

Diện tích sản xuất muối cả nước hiện đạt khoảng 11.200ha, sản lượng mỗi năm ước đạt 1 triệu tấn. Nhờ từng bước đa dạng hoá sản phẩm, giá trị ngành muối dần được nâng lên. Nhiều mô hình không chỉ sản xuất muối ăn, muối thực phẩm mà còn phục vụ làm đẹp, du lịch... Hạt muối của Việt Nam đã xuất khẩu đi nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ nhưng số lượng không cao.

Tuy nhiên, theo tính toán, nhu cầu sử dụng muối trong nước hiện vào khoảng 1,6 triệu tấn. Với sản lượng muối sản xuất được phía trên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu muối để tiêu dùng. Do đó, cần nghiên cứu để gia tăng giá trị của ngành muối, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu để người dân có thể làm giàu từ ngành muối.

Tìm cách gia tăng giá trị của ngành muối Việt Nam

Chia sẻ tại hội nghị tham vấn nội dung đề án Nâng cao giá trị sản xuất, chế biến muối giai đoạn 2021 – 2025 diễn ra vào chiều 11/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tổ chức một diễn đàn để xúc tiến đầu tư thương mại ngành muối; sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị định 40 về quản lý sản xuất, kinh doanh muối; đặc biệt là triển khai đề án Nâng cao giá trị sản xuất, chế biến muối giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Thứ trưởng, đề án Nâng cao giá trị sản xuất, chế biến muối giai đoạn 2021 – 2025 triển khai thành công sẽ giúp hạ tầng ngành muối, mô hình sản xuất muối đi vào hiệu quả, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo chuỗi liên kết giá trị khi đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, từ đề án sẽ tạo ra nhiều dự án mới giúp nâng cao hiệu quả sau đầu tư, bảo tồn và phát triển ngành muối truyền thống, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại và truyền thông.

Cụ thể, các dự án sẽ tập trung vào đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối; đầu tư hệ thống thủy lợi; xây dựng mô hình khuyến diêm; củng cố, phát triển sản xuất, chế biến đa dạng hóa sản phẩm gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản xuất muối.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đây là đề án mang tính chất an sinh xã hội, bởi những đối tượng hưởng lợi đa số là người nghèo và so với các loại hàng hóa khác, sản phẩm muối có giá trị thấp nhất và “nghiệt ngã” nhất. Do đó, Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển giá trị sản xuất, chế biến muối nhằm vực dậy nghề làm muối, không để mất nghề muối và nâng cao giá trị sản phẩm muối.

Khái quát các nội dung chính của đề án tại hội thảo tham vấn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, đề án sẽ được thực hiện trên địa bàn 35 xã, 12 huyện của 7 tỉnh (Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu) với quy mô vùng sản xuất trực tiếp gần 2.900ha; diện tích vùng sản xuất hưởng lợi gần 3.300ha. Theo dự thảo đề án, 18 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; 16 hợp tác xã diêm nghiệp, 2 tổ hợp tác; 4.667 hộ dân với khoảng 11.500 lao động sẽ được hưởng lợi.

Dự kiến, tổng kinh phí của đề án gần 1.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 536 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 284 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn đối ứng và vốn vay tín dụng.

Mộc Trà